Toàn cảnh lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden
(VOVTV) - Trưa 20/1 theo giờ địa phương, ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Buổi lễ nhậm chức diễn ra trong không khí trang nghiêm với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.
Lễ nhậm chức diễn ra trên khán đài ở cánh phía Tây của tòa nhà Quốc hội Mỹ, với quy mô được thu nhỏ, an ninh nghiêm ngặt, khác hẳn so với truyền thống. Ghế ngồi của các vị khách được giãn cách và số khách được giới hạn ở con số 1.000 so với con số 200.000 vé mời thường phát ra trước đây.
Dự buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden và tân Phó Tổng thống Kamala Harris có các cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton. Bên cạnh đó, Phó Tổng thống vừa mãn nhiệm Mike Pence cũng tham dự sự kiện này sau khi không đến lễ từ biệt trước đó trong ngày của ông Donald Trump tại Sân bay quân sự Andrews. Trước đó 3 giờ đồng hồ, ông Donal Trump đã rời Nhà Trắng, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sau hơn 150 năm, không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
Buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra đúng hai tuần sau khi Quốc hội Mỹ ngày 6/1chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden trước ông Donal Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020. Phiên họp chung của hai viện Quốc hội Mỹ đã bị gián đoạn do những người biểu tình tấn công vào tòa nhà Quốc hội, gây ra vụ bạo loạn tại đây.
Vài giờ trước lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Joe Biden, Thư ký báo chí tương lai của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong ngày đầu nhậm chức, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sẽ ký 15 sắc lệnh xóa bỏ một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm.
Trong thông báo ngày 20/1, bà Psaki cho biết để giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, kinh tế, biến đổi khí hậu và tình trạng bất công do phân biệt chủng tộc, trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống đắc cử Biden sẽ ký sắc lệnh hành pháp và một số văn kiện tại phòng Bầu dục vào chiều cùng ngày.
Cụ thể, ông Biden sẽ khởi động tiến trình tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và công bố một sắc lệnh chống biến đổi khí hậu, trong đó thu hồi giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu gây nhiều tranh cãi Keystone XL từ Canada, cấm các hoạt động cho thuê dầu và khí đốt trong Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Alaska.
Theo giới chuyên gia, các sắc lệnh này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của việc đảo ngược chính sách lớn đối với quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Ông Biden đã hứa sẽ đưa Mỹ đi theo hướng giảm phát thải ròng vào năm 2050 để phù hợp với việc cắt giảm toàn cầu nhanh chóng mà theo các nhà khoa học nói là cần thiết để tránh những tác động tàn phá nhất của sự nóng lên toàn cầu, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư lớn vào năng lượng sạch. Các sắc lệnh của ông Biden cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét sửa đổi các tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu của xe cộ và hạn chế phát thải khí mê-tan.
Liên quan đến vấn đề người di cư, ông Biden sẽ có sắc lệnh bãi bỏ lệnh khẩn cấp quốc gia nhằm huy động tiền để xây dựng bức tường biên giới cũng như quy định cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Biden cũng sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả cơ quan công quyền liên bang, thiết lập một môi trường làm việc mới tại Nhà Trắng, qua đó thúc đẩy phối hợp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và chấm dứt tiến trình rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới.
Theo bà Psaki, trong thời gian tới, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ có thêm các hành động từng bước hiện thực hóa những cam kết ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 20/1, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Beth Van Duyne, người đại diện cho một khu vực quốc hội ở Texas - bang mà đảng Dân chủ gia tăng sự cạnh tranh trong các cuộc bầu cử vừa qua, đã dẫn một bức thư gửi tới Tổng thống đắc cử Biden cùng chữ ký của 16 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa lần đầu đắc cử, nói rằng họ mong được làm việc với Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Tin nổi bật
Tin Video