Tin tức

Tổ chức nào đứng sau các kênh video dung tục, bệnh hoạn đang lộng hành?

Các kênh video lớn chứa nội dung nhảm nhí hiện không phải tự phát hay hoạt động một mình, mà đằng sau thường có công ty lớn tư vấn về nội dung và hướng phát triển.

23/12/2020 09:41

Theo tìm hiểu của PV, trên nền tảng YouTube, các nhà sáng tạo nội dung kiếm được tiền là nhờ nguồn quảng cáo từ các nhãn hàng. Nguồn tiền này chảy từ YouTube về các Multi Channel Network (MCN hay mạng đa kênh), sau đó đến tay các YouTuber.

Tổ chức nào đứng sau các kênh video dung tục, bệnh hoạn đang lộng hành? - Ảnh 1.

Việt Nam hiện có nhiều kênh Youtube không phù hợp

Mạng đa kênh là các tổ chức, công ty bên thứ ba làm cầu nối cho người sáng tạo nội dung với YouTube. MCN sẽ thay YouTube kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ cho chủ kênh các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiếm tiền và gia tăng lượt xem.

Một trong số những MCN lớn nhất và nổi bật nhất trong các mạng đa kênh ở Việt Nam là Điền Quân Network. Điền Quân Network chính là đơn vị đứng sau quản lý Hưng Troll, Hưng Vlog, Bà Tân Vlog và rất nhiều kênh nhảm nhí khác.

Các kênh thuộc sự quản lý của Điền Quân Network thường tập trung vào các chủ đề như vlog, troll… Đây là những nội dung thường bị biến tướng quá đà, nhảm nhí.

Tổ chức nào đứng sau các kênh video dung tục, bệnh hoạn đang lộng hành? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Anh T.L, một nhà sáng tạo nội dung YouTube cho biết, các công ty lớn, hay các nhà đầu tư thông qua các kênh YouTube mới nổi sẽ định hướng nội dung, lồng ghép các từ khoá theo hướng của họ để từ đó tạo ra “trend”, và họ sẽ thu tiền quảng cáo từ đó.

“Các kênh YouTube mới muốn phát triển nhanh phải nhờ vào các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và cả nội dung, tạo nền tảng để các kênh này phát triển rất nhanh. Sau đó, họ sẽ định hướng nội dung, nhận tiền quảng cáo từ YouTube và chia lại cho các kênh”, anh L. nói.

Theo anh L., Điền Quân Network là mạng xã hội đa kênh lớn ở Việt Nam, là công ty có tên tuổi và dễ nhận biết. Tuy nhiên, có vô vàn những nhà đầu tư ẩn danh khác không ra mặt và chỉ âm thầm hỗ trợ các kênh, kiếm tiền từ YouTube.

Việc định hướng nội dung cho các kênh thế nào còn phụ thuộc vào hợp đồng giữa các công ty với mỗi kênh.

Bên cạnh Điền Quân Network, còn có rất nhiều mạng đa kênh lớn khác hoạt động ở Việt Nam từ lâu như MeTub, Pops, VieOn… tuy nhiên, các mạng đa kênh này có định hướng phát triển và sự kiểm duyệt nội dung nghiêm túc hơn.

Ngược lại, theo đánh giá, Điền Quân Network được xem là nơi có kiểm duyệt đầu vào khá dễ dàng. Các kênh mới nổi, có triển vọng được Điền Quân Network chủ động liên hệ mời ký hợp đồng. Thậm chí, chủ kênh sẽ không phải di chuyển đến công ty mà hợp đồng sẽ được gửi qua đường chuyển phát nhanh cho chủ kênh.

Khi tham gia vào mạng lưới của Điền Quân Network, các kênh YouTube có điều kiện để tiếp cận với người xem thông qua nhiều nền tảng khác nhau bởi công ty này hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, nền tảng.

Tổ chức nào đứng sau các kênh video dung tục, bệnh hoạn đang lộng hành? - Ảnh 3.

Trang Facebook của Điền Quân

Cụ thể, khi tham gia Network, các video của người tham gia sẽ được ưu tiên hiện thị trên phần đề xuất sau các video khác có nhiều view hơn trong Network, các video này cũng được chia sẻ, giới thiệu trên nhiều nền tảng khác như Facebook giúp tăng tối đa khả năng tiếp cận người xem.

Tuỳ vào hợp đồng, các kênh mới tham gia có thể được các mạng đa kênh định hướng nội dung rất cụ thể. Chẳng hạn khi troll (chơi khăm) đang là xu hướng trên YouTube, các kênh có thể được định hướng phát triển theo hướng này. Hoặc khi các mạng đa kênh muốn tạo ra trend mới, họ sẽ định hướng các kênh thuộc sự quản lý của mình tập trung làm video về vấn đề đó.

Dưới sự hỗ trợ của các mạng đa kênh, các kênh YouTube sẽ có nhiều điều kiện, dễ dàng phát triển các video theo hướng các mạng đa kênh muốn mà không quan tâm quá nhiều đến kịch bản, nội dung cũng như chất lượng.

Theo một nhà phát triển nội dung YouTube, với riêng nền tảng YouTube, có thể mục tiêu, đường hướng phát triển của Điền Quân không phải tập trung vào những thứ giật gân, nhảm nhí bởi đây không phải là giá trị lâu bền. Tuy nhiên để chạy theo doanh số, chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, quy trình kiểm duyệt các video có thể bị buông lỏng dẫn đến tràn lan những nội dung nhảm nhí, giật gân, phản cảm, gây ảnh hưởng đến xã hội.

“Những video nhảm nhí ban đầu có thể thu hút nhiều người xem tò mò, với những người có văn hoá và có nhận thức, có thể sẽ không để lại tác động quá nhiều. Tuy nhiên đối với một số đối tượng, đặc biết là trẻ nhỏ, những nội dung video không phù hợp có thể tạo ra những lối suy nghĩ lệch lạc và những hệ luỵ khác, hậu quả để lại là không nhỏ”, anh L. nói thêm.

Tuy có vai trò lớn trong việc điều khiển, chi phối đường hướng phát triển của các kênh YouTube nhưng không dễ để nhận ra mối liên hệ giữa các mạng đa kênh với các kênh YouTube, bởi từ năm 2019 YouTube đã chặn việc tìm hiểu thông tin kênh YouTube nào thuộc network nào.

Điều này giúp các mạng đa kênh được tự do hoạt động, có thể ẩn thân, che giấu mối liên hệ với các kênh YouTube, từ đó cũng gây khó khăn cho việc quản lý.

Tổ chức nào đứng sau các kênh video dung tục, bệnh hoạn đang lộng hành? - Ảnh 4.

Trang Facebook Theanh 28 với lượt tương tác cao

Như vậy, có thể thấy rất rõ vai trò của các mạng đa kênh trong việc định hướng nội dung cho các kênh YouTube. Chính họ là những người có thể tạo ra trào lưu, tạo ra trend theo mong muốn của mình để rồi thu lợi, từ đó bất chấp các giá trị về nội dung.

Yeah1 trước đó là một ví dụ điển hình cho việc mạng đa kênh buông lỏng kiểm soát nội dung. Năm 2017, một kênh YouTube thuộc Yeah1 đăng tải những clip gắn mác dành cho trẻ em nhưng truyền đạt nội dung với hình ảnh dung tục, nhảm nhí.

Sau đó, chủ kênh này bị phạt 30 triệu đồng, đơn vị mạng đa kênh là Yeah1 Network bị phạt hành chính 20 triệu đồng vì không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật.

Trên YouTube là vậy, còn ở Facebook, cũng có rất nhiều công ty lớn đứng sau quản lý nhiều Page hàng triệu like đủ sức “khuynh đảo” mạng xã hội.

Nổi bật trong số đó thể kể đến Theanh28 hay kenh28 Entertainment, công ty này sở hữu hàng chục page lớn nhỏ trên Facebook với những page hàng triệu like, không chỉ phát triển mảng video nhảm nhí, Theanh28 hoạt động trên nhiều lĩnh vực và thời gian qua cũng đã vướng phải không ít lùm xùm, tai tiếng.

Hồi gữa năm 2020, công ty này bị cư dân mạng kêu gọi tẩy chay, thâm chí làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng sau khi đăng bài xuyên tạc, cợt nhả nạn nhân vụ án hiếp dâm để câu like một cách vô văn hoá.

Trước đó, công ty này cũng vướng vào nhiều lùm xùm khác như bị phản ánh là đăng tải nội dung sai lệch, thiếu kiểm chứng. Fanpage Theanh28 từng đăng thông tin về vụ việc chú chó nghiệp vụ hy sinh trên đèo Hải Vân khi truy tìm phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự hoàn toàn sai sự thật khiến dân mạng bức xúc.

Phải khẳng định các kênh YouTube, Fanpage muốn “sống” được điều tiên quyết là phải có người xem. Sự dễ dãi trong thị hiếu của công chúng, việc chúng ta vẫn đang ngày ngày chấp nhận những video nhảm nhí, giật gân chính là “mảnh đất màu mỡ” cho những video nhảm nhí này đâm chồi.

Ý kiến của bạn