Tính toán của Nga ở Ukraine và 'tối hậu thư' buộc phương Tây phải trả lời
Nếu Nga không đạt được mục tiêu chiến lược của mình thông qua ngoại giao, nước này sẽ sử dụng các biện pháp khác để buộc phương Tây phải trả lời cho những yêu cầu an ninh của mình.
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi công nhận độc lập cho các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng đáng kể trong quan hệ giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh gần 200.000 binh lính Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine.
Nga và phương Tây đã tiến hành hàng loạt cuộc trao đổi trong thời gian qua, từ cuộc đối thoại Nga - Mỹ đầu tiên về các vấn đề an ninh châu Âu tại Geneva, cho tới các phiên họp giữa Nga với Hội đồng NATO ở Brussels và Nga với Ủy ban Thường trực Tổ chức Hợp tác và An ninh châu ÂU (OSCE) tại Vienna, hay mới đây là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Những cuộc trao đổi này không kết thúc trong bất mãn hay giận dữ, nhưng cũng không xây dựng được bất kỳ niềm tin nào cho thấy cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu sẽ sớm được giải quyết.
Việc thiếu giải pháp ngoại giao sẽ dẫn đến các hành vi leo thang căng thẳng và tăng nguy cơ rằng, cách duy nhất để thoát khỏi nó là sử dụng "các phương tiện kỹ thuật quân sự".
Thay đổi trong tính toán của Nga
Trong 8 năm đối đầu với phương Tây, chính sách đối ngoại của Nga đã liên tục phát triển, từ thích nghi với những thực tế mới bất lợi cho tới nỗ lực ngăn vị thế địa chính trị của quốc gia suy giảm, và thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho Nga. Cho tới đầu năm 2021, chính sách này vẫn dựa trên việc đạt được sự hiểu biết chung, thiết lập quan hệ đối tác với Mỹ và châu Âu. Tổng thống Vladimir Putin cũng nhiều lần khẳng định các lợi ích của Nga không đi ngược với lợi ích của Mỹ và rằng, Moscow và Washington có thể tham gia vào những nỗ lực chung nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu như mối đe dọa khủng bố hay đại dịch.
Tuy nhiên, lập trường này bắt đầu thay đổi từ năm 2021. Vào mùa xuân năm ngoái, quân đội Nga tập trận quân sự trên quy mô lớn dọc biên giới với Ukraine. Tình báo Mỹ nghi ngờ cuộc tập trận là vỏ bọc cho kế hoạch chuẩn bị tấn công nước láng giềng của Nga này. Không thể phớt lờ các hành động của Nga, Tổng thống Biden đã mời Tổng thống Putin tới cuộc gặp ở Geneva, thậm chí cả khi trước đó Nga không nằm trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng.
Chiến thuật buộc Mỹ phải đối thoại với Nga từng được Tổng thống Putin nhắc đến trong bài phát biểu tại lưỡng viện của Nga năm 2018. Sau khi thông báo về một loạt hệ thống vũ khí mới, Tổng thống Nga đã nói về Mỹ rằng: "Không ai lắng nghe chúng ta trước đó. Nhưng giờ thì họ sẽ phải lắng nghe chúng ta".
Kết quả thực tế duy nhất trong cuộc gặp giữa hai Tổng thống ở Geneva là sự khởi đầu của các cuộc tham vấn Nga - Mỹ về sự ổn định chiến lược và an ninh mạng. Tuy nhiên, về vấn đề Ukraine, tiến trình của thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột đã rơi vào bế tắc, trong khi NATO tăng quy mô và tần suất tập trận ở Biển Đen. Trên thực tế, tình hình ở biên giới phía Tây và Tây Nam của Nga chỉ ngày càng tồi tệ hơn.
Tình hình đó đã buộc điện Kremlin phải quay lại sử dụng lực lượng quân sự để gây sức ép với Nhà Trắng. Cuối mùa thu năm 2021, tình báo Mỹ ghi nhận mối đe dọa ngày càng gia tăng ở biên giới Nga - Ukraine. Cuộc tập trận quân sự lớn chưa từng có của Nga vào mùa xuân đã buộc Mỹ phải đi xa hơn những cuộc đối thoại trực tiếp và nhất trí đàm phán với Moscow về những vấn đề an ninh châu Âu.
Đằng sau tính toán của Nga
Ở khía cạnh này, chiến thuật buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán của Nga đã phát huy hiệu quả. Dựa trên thành công ban đầu, Moscow đã đưa ra cho Mỹ và các đồng minh của nước này một dự thảo thỏa thuận, vạch rõ những yêu cầu của Nga với phương Tây về an ninh châu Âu.
Nga khẳng định các cuộc trao đổi nên tập trung vào những yêu cầu "mang tính ràng buộc" như không mở rộng NATO sang những nước từng thuộc Liên Xô, không triển khai các vũ khí tấn công ở châu Âu có thể vươn tới lãnh thổ Nga và rút các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Đông Âu theo những gì được ký kết trong Hiệp ước Sáng lập quan hệ với Nga năm 1997.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ và phương Tây không dễ gì đáp ứng những yêu cầu này. Trong một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, các quốc gia không chỉ tự do tham gia vào các thỏa thuận với nhau mà còn có thể tự do chấm dứt những thỏa thuận đó. Trong 20 năm qua, Mỹ đã đơn phương rút khỏi các hiệp ước Nga - Mỹ về phòng thủ tên lửa và tên lửa tầm trung, Hiệp ước Bầu trời Mở và Thỏa thuận hạt nhân Iran. Những thỏa thuận được đảm bảo tuyệt đối đơn giản là không tồn tại.
Nga cũng không có bất kỳ ảo tưởng nào về việc đạt được một thỏa thuận như vậy. Sẽ không có niềm tin thực tế nào với những thỏa thuận không gây hấn. Ngoài ra, với tình hình chính trị trong nước hiện tại ở Mỹ, nước này gần như không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào như vậy với Nga mà được thông qua bởi 2/3 thượng nghị sĩ. Chính Tổng thống Putin cũng thừa nhận điều này khi ông công khai nói rằng ông muốn thấy "những thỏa thuận mang tính ràng buộc ít nhất là về mặt pháp lý".
Trong 5 làn sóng mở rộng NATO gần đây nhất, Tổng thống Putin đã chứng kiến 4 làn sóng mở rộng NATO với việc kết nạp Slovakia, Slovenia, Romania và Bulgaria năm 2004, Croatia and Albania năm 2009, Montenegro năm 2017 và Bắc Macedonia năm 2020. Trong một thời gian dài, Nga gần như không có cách nào ngăn chặn quá trình này khi không có đủ ảnh hưởng và cũng không có phương tiện gây sức ép. Giờ đây, khi đã có tất cả phương tiện trên, Tổng thống Putin đang bắt đầu sử dụng chúng để tạo nên những thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu việc Mỹ và châu Âu thực hiện những yêu cầu của Nga có phải một triển vọng thực tế hay không?
“Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”
Yêu cầu quan trọng của Nga - đó là NATO sẽ không mở rộng lãnh thổ sang các nước từng thuộc Liên Xô trên thực tế đang được thực hiện, bởi Mỹ và các đồng minh đều không sẵn sàng chịu trách nhiệm về quốc phòng an ninh của Ukraine hay Gruzia. Mỹ cũng sẽ không đối đầu trực tiếp với Nga ở những nơi mà xung đột chưa được giải quyết như Donbass bởi trong khi Nga có những lợi ích an ninh thực tế và sẵn sàng sử dụng quân sự để bảo vệ chúng nếu cần thiết thì Mỹ không có những lợi ích như vậy và cũng không sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự.
Khả năng Mỹ thực hiện các yêu cầu của Nga với hình thức và khung thời gian mà Moscow đặt ra sẽ không tồn tại. Dù vậy, các nhà quan sát Nga cho rằng, có khả năng phương Tây sẽ rút lại Tuyên bố Bucharest năm 2008 của NATO mà theo đó khẳng định Ukraine và Gruzia "sẽ trở thành thành viên của NATO". Cả Nga và Mỹ đều không muốn lực lượng quân sự của đối phương hiện diện ở “ngưỡng cửa” nhà mình.
Nhà quan sát Jeffrey Sachs nhận định trên Financial Times rằng việc cam kết không mở rộng NATO không hẳn là chính sách nhân nhượng. Điều này không đồng nghĩa với việc từ bỏ lãnh thổ Ukraine và cũng không làm suy yếu chủ quyền của nước này mà ngược lại còn đảm bảo an ninh cho Kiev.
Đây không phải lựa chọn duy nhất. Với sáng kiến của Mỹ, NATO có thể thông báo một bản ghi nhớ dài hạn về các thành viên mới. Tổng thống Biden từng khẳng định tư cách thành viên của Ukraine sẽ không được chấp nhận trong thập kỷ tới, trong khi một số quan chức Mỹ thậm chí còn vạch ra mốc thời gian là 20 đến 25 năm.
Nga và Mỹ cũng có thể sẽ nhất trí về việc không triển khai hệ thống tên lửa tầm trung và các vũ khí tấn công khác, những điều khoản không nằm trong hiệp ước mà là một thỏa thuận liên chính phủ giữa Moscow và Washington. Điều này có thể thực hiện trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những mối lo ngại của mỗi bên, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay loại tên lửa hành trình mới của Nga.
Cuối cùng, hai bên có thể lựa chọn những lĩnh vực cụ thể liên quan đến cơ sở hạ tầng quân sự ở sườn đông NATO và giải quyết chúng qua các biện pháp xây dựng lòng tin.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hiện nay, không có thỏa thuận nào bao gồm những vấn đề mà Nga quan tâm. Cần phải hiểu rằng những yêu cầu của Nga với Mỹ và NATO trên thực tế là những mục tiêu chiến lược trong chính sách của Nga ở châu Âu. Mục tiêu của những yêu cầu này không phải nhằm khôi phục Liên Xô như một số nhà quan sát nhận định mà là tái định hình an ninh châu Âu, đặc biệt là Đông Âu như một mối quan hệ có đi có lại giữa các nhân tố chiến lược căn bản trong khu vực.
Nga muốn sang một trang mới, chấm dứt thời kỳ mà an ninh châu Âu chỉ là việc của riêng Mỹ. Điều này được coi là một lợi ích an ninh quốc gia quan trọng. Nếu Nga không đạt được mục tiêu bằng các phương tiện ngoại giao, nước này sẽ sử dụng các công cụ và biện pháp khác.
Các quan chức Nga nhận định, nếu đàm phán thất bại, Nga sẽ sử dụng các biện pháp như tiếp tục gây sức ép với phương Tây bằng sức mạnh quân sự và triển khai các hệ thống vũ khí mới tại những khu vực nhạy cảm có mối quan hệ thân thiết với Nga như Belarus hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, những biện pháp này có thể là mối đe dọa hiện hữu hoặc trong tương lai với an ninh Nga. Do đó, Nga có thể vẫn sẽ duy trì chính sách răn đe mạnh mẽ với những điều kiện địa chính trị, công nghệ và an ninh nhất định. Sự đảm bảo an ninh quốc gia không dựa trên các hiệp ước không gây hấn với kẻ thù tiềm năng mà là sự răn đe hiệu quả trước bất kỳ đối thủ nào.
Tin nổi bật
Tin Video