Xã hội

Tỉnh Sơn La chỉ đạo gì với những tồn tại trong các công trình điện mặt trời mái nhà

(VOVTV) - Trước những tồn tại, thiếu sót tại các công trình điện mặt trời mái nhà, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát toàn diện, đảm bảo chấp hành đúng các quy định của pháp luật về điện lực, đất đai, nông nghiệp, phòng chống cháy nổ…

Tác giả PV
26/06/2021 23:11

Kiểm tra, xử lý vi phạm

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện "tình trạng" các công ty, doanh nghiệp xin đất làm trang trại nông nghiệp để chăn nuôi, trồng cây dược liệu… một cách ồ ạt. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động nông nghiệp kết hợp với lắp đặt điện mặt trời mái nhà chưa tuân thủ quy định, còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Tỉnh Sơn La chỉ đạo gì với những tồn tại trong các công trình điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi kết hợp điện áp mái của Công ty TNHH Anh Khoa Tây Bắc tại Sông Mã

Ngay sau đó, tỉnh Sơn La đã có Công văn số 763/UBND-KT ngày 22/3/2021 giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty điện lực Sơn La, UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra về việc tuân thủ quy định của pháp luật tại các trang trại nông nghiệp.

Qua kiểm tra, đánh giá, đa phần hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển theo hai xu hướng. Một là do các tổ chức, hộ gia đình lắp đặt trên các mái công trình có sẵn, có công năng sử dụng độc lập (nhà ở, nhà làm việc, nhà xưởng sản xuất kinh doanh, trang trại chăn nuôi..). Xu hướng này phát triển khá nhanh, quy mô hệ thống điện công suất thường nhỏ dưới 100KWp, được đầu tư và chấp hành các quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, đất đai, an toàn điện... Quy mô công suất lớn hơn, từ 100 kWp đến 1.250 kWp, là do các doanh nghiệp đầu tư kết hợp với xây dựng mới trang trại nông nghiệp. Hệ thống pin được lắp đặt trên mái công trình xây dựng mới, có kết cấu khung thép, có mái che…

Theo báo cáo số 123-BC/BCSĐ của Ban cán sự Đảng tỉnh Sơn La, tính đến hết 31/12/2020 (Quý I năm 2021 không phát sinh hợp đồng ký mới), trên địa bàn toàn tỉnh có 704 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã hoàn thành được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Trong đó 627 hệ thống điện công suất nhỏ hơn 100 kWp chủ yếu của các hộ gia đình đầu tư, với tổng công suất 10.819,5 kWp; 77 hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100kWp đến 1250kWp với tổng công suất 44.521 kWp đã hoàn thành, ký hợp đồng bán điện lên lưới điện quốc gia.

Tỉnh Sơn La chỉ đạo gì với những tồn tại trong các công trình điện mặt trời mái nhà - Ảnh 2.

Trang trại nông nghiệp kết hợp điện áp mái tại bản Thín, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu

Báo cáo cũng nêu rõ từ tháng 8/2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà (mái công trình dân dụng, mái công trình công nghiệp và mái trang trại). Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, theo báo cáo của các sở, ngành, địa phương việc phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập về quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy và thủ tục mua bán điện.

Nghiêm túc khắc phục những bất cập

Trước sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Sơn La, các chủ công trình trang trại có điện mặt trời mái nhà đã khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng Quyết định số 13/2020/QĐ/TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Công văn số 7088/BCT/ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công thương về hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

Qua kiểm tra, rà soát của các sở, ban, ngành tại một số trang trại, hầu hết đã đáp ứng các tiêu chí về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy và thủ tục mua bán điện… và thực hiện các tiêu chí theo Thông tư 02 ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định tiêu chí kinh tế trang trại.

Trong 2 ngày 24 - 25/6, theo ghi nhận của PV VOVTV tại các trang trại có lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời (điện áp mái) tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La, các trang trại này đã có hoạt động sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc (bò, dê, lợn) gia cầm (gà, vịt), trồng nấm và cây dược liệu.

PV đã có mặt tại hộ gia đình bà Mai Thị Tuyết (bản Nà Nọi, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Tại đây theo ghi nhận, gia đình bà Tuyết đã có hoạt động nông nghiệp khi tiến hành nuôi 1.200 con lợn nái và 18 con lợn đực.

Chia sẻ với PV VOVTV, bà Tuyết nói: "Quá trình thực hiện xây dựng trang trại nông nghiệp có lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, hộ gia đình chúng tôi còn một số vướng mắc khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan bởi quá trình xây dựng gia đình tôi còn "lóng ngóng" chưa thực hiện đúng hướng dẫn của các cấp ngành".

"Ngay sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo các sở, ban, ngành về việc kiểm tra, rà soát các công trình, đồng thời cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của Luật chăn nuôi, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai, Luật xây dựng… thì chúng tôi cũng đã dần hoàn thiện và khắc phục những thiếu sót để công trình có thể phát huy được hiệu quả", bà Tuyết nói thêm.

PV tiếp tục đến hộ gia đình ông Cầm Văn Sơn (bản Ỏ Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) kết hợp với Công ty So Lar Mai Sơn. Tại đây ghi nhận, chủ trang trại đang nuôi khoảng 2.300 con gà; 45 con lợn thịt và làm 1 nhà trồng nấm hương.

"Trong quá trình triển khai thực hiện điện mặt trời áp mái, khi có Quyết định 13 của Thủ tướng chính phủ và các văn bản hướng dẫn của UBND, các sở, ban ngành như Công thương; Tài nguyên môi trường; Xây dựng; Kế hoạch đầu tư; Sở Nông nghiệp, EVNPC…, vì cách hiểu về điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng, mỗi người hiểu 1 kiểu nên dẫn đến quá trình triển khai thực hiện còn 1 số tồn tại như mục đích sử dụng đất, tiêu chuẩn trang trại, phòng cháy chữa cháy... Tuy nhiên, sau khi Bộ Công thương ra Văn bản hướng dẫn số 7088 thì các chủ trang trại lắp đặt điện mặt đã bám theo để triển khai", ông Sơn chia sẻ với PV.

Tỉnh Sơn La chỉ đạo gì với những tồn tại trong các công trình điện mặt trời mái nhà - Ảnh 3.

Trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp điện áp mái tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La

Còn tại hộ gia đình bà Nguyễn Phương Anh có địa chỉ tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La đã xây dựng xong chuồng chăn nuôi gà theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định tiêu chí kinh tế trang trại và hướng dẫn số 7088 của Bộ Công Thương.

"Khi triển khai xây dựng trang trại nông nghiệp và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời chúng tôi còn nhiều nhầm lẫn, thiếu sót bởi chưa hiểu rõ, hiểu đúng các văn bản hướng dẫn về xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp điện năng lượng mặt trời. Sau khi các sở, ban, ngành kiểm tra và chỉ ra những tồn tại, bất cập của công trình gia đình tôi đã thực hiện ngay việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương…", bà Phương Anh nói.

Tỉnh Sơn La chỉ đạo gì với những tồn tại trong các công trình điện mặt trời mái nhà - Ảnh 4.

Trại chăn nuôi gia súc kết hợp điện áp mái tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn

Bên cạnh việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý, UBND tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, nơi có hoạt động nông nghiệp có lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, tổ chức hướng dẫn các đơn vị, cá nhân hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án. Đồng thời, xin ý kiến Bộ Công Thương về biện pháp xử lý đối với các hệ thống điện mặt trời trang trại không đáp ứng đủ điều kiện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2020/TTBNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công văn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương; Chỉ đạo Công ty Điện lực Sơn La tiếp tục rà soát các hợp đồng mua bán điện đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến của bạn