Tin tức

Tỉnh Hoà Bình đã làm gì để nâng cao chất lượng nhân lực?

(VOVTV) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện, có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng; có trí tuệ và ý chí lập thân; năng lực và đạo đức; có khả năng tư duy sáng tạo, tự học, tự bồi dưỡng; có tri thức sáng tạo, tự học tự bồi dưỡng; có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp… tỉnh Hoà Bình đã và đang thực hiện hiệu quả việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
20/10/2021 15:57

Nhiệm vụ chiến lược

Trước sự cấp thiết của việc nâng cao chất lượng lực để phục vụ cho tiến trình phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/12/2011 về phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 17/01/2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020.

Sau khi Quy hoạch phát triển nhân lực được phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch trên cơ sở các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện, chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 55%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Cùng với việc đạt chỉ tiêu lao động qua đào tạo và đào tạo nghề, số lượng lao động được đào tạo đạt và vượt kế hoạch đề ra; giai đoạn 2011 - 2015 các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 84.189 người (trong đó: 69.210 người được dạy nghề ngắn hạn; 7.161 người tốt nghiệp trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề).

Nâng cao chất lượng nhân lực – Tỉnh Hoà Bình đã làm những gì? - Ảnh 1.

Hoà Bình quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế mới trong phát triển kinh tế xã hội

Cùng với việc dạy nghề cho lao động, chất lượng nhân lực có trình độ cao ngày càng được nâng lên. Đến nay, số lượng lao động có trình độ từ thạc sỹ trở lên tăng nhanh: năm 2014, lao động trình độ thạc sỹ 251 người; đến năm 2015 lao động có trình độ thạc sỹ là 345 người.

Trình độ đội ngũ giảng viên cao đẳng trong các cơ sở đào tạo được quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao; tuy nhiên, tỷ lệ chưa đạt kế hoạch đề ra, đến nay có khoảng 25% giảng viên có trình độ thạc sỹ (kế hoạch đề ra 30%). Số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tăng, đạt tỷ lệ 101 sinh viên/10.000 dân.

Chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã có nhiều chuyển biến, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tỷ lệ cán bộ không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giảm từ 41,86% xuống 23,62%, tăng tỷ lệ lãnh đạo cấp xã có trình độ đại học từ 6,21% năm 2011 lên 13,72% năm 2015. Có 73,4% lãnh đạo cấp xã trình độ trung cấp trở lên.

Nâng cao chất lượng nhân lực – Tỉnh Hoà Bình đã làm những gì? - Ảnh 2.

Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên theo từng năm

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức viên chức được nâng lên, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học trong khu vực hành chính, sự nghiệp là 10.063 người, chiếm 28,07%, lao động có trình độ thạc sỹ 597 người chiếm 1,67% và tiến sỹ 23 người, chiếm 0,06%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ nhân lực khu vực hành chính, sự nghiệp được quan tâm. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 có 34.273 người được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ từ thạc sỹ trở lên chiếm 28,4%.

Chú trọng công tác đào tạo nhân lực

Qua 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả, nhiều mục tiêu, chi tiêu chính đạt và vượt kế hoạch đề ra như:

Chỉ tiêu lao động qua đào tạo, chỉ tiêu đào tạo nghề; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức được nâng lên, tăng tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học trong khu vực hành chính, sự nghiệp, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã ngày càng được nâng cao....

Nhân lực cốt yếu một số lĩnh vực đặc thù được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; số lượng lao động có trình độ thạc sỹ, chuyên viên chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tăng từ 283 người lên 461 người năm 2015; số giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ từ thạc sỹ trở lên tăng từ 236 người năm 2011 lên 346 người năm 2015 và số lao động ngành y - dược trình độ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, II tăng dần theo từng năm.

Nâng cao chất lượng nhân lực – Tỉnh Hoà Bình đã làm những gì? - Ảnh 3.

Sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình trong giờ học công nghệ thông tin

Toàn tỉnh có 36 cơ sở dạy nghề (3 Trường cao đẳng nghề; 1 Trường trung cấp nghề; 15 trung tâm Dạy nghề thuộc các Hội đoàn thể, Doanh nghiệp, tư thục; 17 Cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề). Với quy mô đào tạo khoảng 14 - 15 ngàn lao động năm.

Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, 100% các xã trong tỉnh đã có trường tiểu học, THCS các huyện có từ 2 đến 4 trường THPT. 10/11 huyện, thành phố đã có trường Phổ thông DTNT THCS&THPT và 1 trường PTDTNT THPT tỉnh, 100% phòng học ở các cấp được kiên cố hóa.

Việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo được quan tâm, chuẩn hóa; trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, đã cử 136 giáo viên đi học cao đẳng, đại học, thạc sĩ và cử 112 cán bộ giáo viên, công chức, viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngoài ra, để tăng cường công tác đào tạo nghề, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG; ban hành các chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật tay nghề cao, quy định cụ thể một số chế độ, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổ chức chương trình xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm: trong giai đoạn 2011 - 2015 tổng số lao động được giải quyết việc làm gần 80.000 lượt lao động, đã xuất khẩu lao động khoảng 2.000 người, giải quyết việc làm qua quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm hơn 4.000 người; ước tính hàng năm có khoảng 6.000 lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch sang nhóm ngành phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm trong độ tuổi thanh niên chiếm 80%.

Định kỳ mở các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm và mở các sàn vệ tinh tại các huyện, thành phố; tổ chức giao dịch việc làm online kết nổi với 10 Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh và các phiên giao dịch việc làm tại các cụm xã của 5 huyện, thành phố thu hút hàng trăm lượt doanh nghiệp và hàng nghìn lao động tham gia, khoảng 1.000 lao động được tuyển dụng trực tiếp, hàng nghìn người được tư vấn học nghề, tìm việc làm, xuất khẩu lao động.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 8 KCN (trong có 2 KCN đang vận hành) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Tại KCN Lương Sơn hiện có 13 dự án FDI; 14 dự án đầu tư trong nước với tổng số lao động đang làm việc 9.237 người và khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà có 3 dự án FDI, 15 dự án đầu tư trong nước, với tổng số lao động đang làm việc 3.600 người. Tính đến hết năm 2015, số lượng lao động tại 2 khu công nghiệp tăng 4,4 lần so với năm 2011 từ 3.005 người năm 2011 lên 13.225 người.

Đối với chính sách thu hút nhân tài, từ năm 2012 đến nay đã hỗ trợ kinh phí học tập cho 36 công chức viên chức người dân tộc thiểu số; hỗ trợ sau khi nhận bằng cho 96 người (trong đó đạt loại giỏi 67 người, loại khả 26 người và loại trung bình 3 người); hỗ trợ kinh phí đối với người học nghề theo Đề án 151 (trong đó hỗ trợ đào tạo bác sỹ, dược sỹ chính quy theo địa chỉ 28 người và hỗ trợ đào tạo liên thông bác sỹ, dược sỹ cho viên chức y tế cơ sở cho 51 người,

Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bên cạnh những thành tích đạt được, trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh, còn một số hạn chế, khó khăn: Công tác tuyên truyền, phổ biến quy hoạch ở một số địa phương, cơ quan chưa thực hiện tốt; hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao và chưa có sức lan tỏa sâu rộng để nhân dân, doanh nghiệp biết đến các chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm.

Quy hoạch phát triển nhân lực có tính chất rất mới, do vậy sẽ không tránh khỏi những lúng túng nhất định trong việc triển khai thực hiện. Nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tỉnh Hòa Bình lớn, nhưng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng năm cho công tác dạy nghề còn hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển chưa hợp lý, trình độ đào tạo còn thấp; lĩnh vực ngành nghề đào tạo còn ít. Điều kiện của nhiều cơ sở dạy nghề còn hạn chế, trang thiết bị lạc hậu; thiếu giáo viên cơ hữu, chất lượng chưa cao; chương trình, nội dung chưa thật sự sát với thực tiễn sản xuất nông nghiệp và của doanh nghiệp. Nhiều lao động qua đào tạo còn yếu về tác phong và kỷ luật lao động.

Nâng cao chất lượng nhân lực – Tỉnh Hoà Bình đã làm những gì? - Ảnh 4.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Hoà Bình đã dần phát huy được hiệu quả

Một lượng không nhỏ học sinh, sinh viên sau khi được đào tạo nghề, ra trường không tìm được việc làm, ảnh hưởng đến chính sách đào tạo nghề, việc làm của nhà nước đối với người lao động. Công tác xã hội hóa về dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, mặc dù đã có cơ sở ngoài công lập nhưng điều kiện hoạt động chưa tốt.

Để đảm bảo các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phát triển nhân lực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp như: nhóm giải pháp về đổi mới nhận thức; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp tạo môi trường, điều kiện phù hợp, thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về tài chính và đầu tư; nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp…UBND  tỉnh đề nghị các sở, ngành, cơ quan tổ chức, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ý kiến của bạn