Tin tức

Tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ

(VOVTV) - Doanh thu bán lẻ của Mỹ tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng mua ô tô nhiều hơn khi nguồn cung được cải thiện, trong khi chi tiêu tại các nhà hàng cũng tăng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế ngay trong tháng đầu tiên của quý II.

18/05/2022 16:11

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 17/5, doanh thu bán lẻ tại Mỹ tăng 0,9% trong tháng 4. Trong khi đó, các dữ liệu của tháng 3 cũng được điều chỉnh tăng, theo đó doanh thu bán lẻ tăng 1,4%, cao hơn mức tăng 0,5% được báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu bán lẻ trong tháng 4 tăng 8,2%.

Sự gia tăng doanh thu bán lẻ được thúc đẩy chủ yếu nhờ doanh thu bán hàng tại các đại lý ô tô, tăng trở lại ở mức 2,2% sau khi giảm 1,6% trong tháng 3. Điều này bù đắp cho sự sụt giảm 2,7% doanh thu bán hàng tại các trạm xăng.

Tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Ngoài ra, doanh thu tại quán bar và nhà hàng, loại hình kinh doanh dịch vụ duy nhất được tính trong báo cáo doanh thu bán lẻ, cũng tăng 2%. Doanh thu tại các cửa hàng bán quần áo tăng 0,8% khi nhiều nhân viên quay trở lại làm việc; trong khi con số này tại các cửa hàng trực tuyến tăng 2,1%.

Tháng 4 cũng ghi nhận sự tăng mạnh trong doanh thu của các nhà bán lẻ điện tử và thiết bị, cũng như các cửa hàng nội thất tại Mỹ. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, thiết bị làm vườn và vật tư giảm 0,1%. Doanh thu bán hàng tại các cửa hàng bán đồ thể thao, nhạc cụ và sách giảm 0,5%.

Doanh thu bán lẻ tăng mạnh cho thấy nhu cầu của người dân Mỹ vẫn mạnh bất chấp những "cơn gió ngược" từ tình trạng lạm phát tăng cao và lãi suất được nâng lên. Lương tăng do các công ty tìm cách thu hút nhân sự khi thị trường lao động khan hiếm và khoản tiết kiệm lớn mà người dân tích lũy trong đại dịch COVID-19 là nền tảng cho chi tiêu.

Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng đang có xu hướng sử dụng thẻ tín dụng. Nhà kinh tế Matthew Massicotte tại Citigroup (Mỹ) nhận định doanh thu bán lẻ tăng mạnh sẽ xoa dịu lo ngại về nguy cơ kinh tế giảm tốc, cũng như giúp giới chức của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế đầu tàu thế giới bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thậm chí khiến các chuỗi cung bị đứt gãy và chính sự mất cân bằng cung cầu đã tạo áp lực khiến giá cả tăng cao, chưa kể các nguyên nhân khác.

Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/5 cho thấy tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng 4 vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát vượt 8%. Như vậy, lạm phát ở Mỹ trong tháng 3 (8,5%) và tháng 4 năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981.

FED hiện đối mặt với bài toán khó là làm sao có thể thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế mà không hạn chế tăng trưởng và gây ra suy thoái. Trong khi đó, giới chuyên gia ước tính để giữ cho nền kinh tế ổn định, FED phải nỗ lực để đưa được tỷ lệ lạm phát của Mỹ về mức 2%.

Ý kiến của bạn