Tin tức

Tin giả: 'Virus' của báo chí hiện đại

(VOVTV) - Loại bỏ "cái gai" tin giả trong nền báo chí hiện đại đang là câu hỏi lớn cần sự chung tay của các bộ ban, ngành và chính độc giả tiếp nhận thông tin như chúng ta.

Tác giả Nguyệt Hà / VOVTV
20/01/2021 14:34

Người ta thường ví tin giả như hiệu ứng cánh bướm. Trông có vẻ nhỏ con đấy, có vẻ nhẹ nhàng đấy nhưng chỉ cần một lần đập cánh là có thể tạo nên một cơn bão lớn. Cũng giống như tin giả vậy, chỉ đôi ba dòng ngắn ngủi, chỉ giật gân một tý là có thể kích thích hàng triệu người dân tiếp thu và chia sẻ để rồi dẫn đến những hệ lụy xấu cho ngành báo chí hiện đại nước ta.

Tin giả - Virus của ngành báo chí hiện đại

Muôn hình vạn trạng của "Fake news". Ảnh: Internet

Giờ đây, hiện tượng này càng trở nên nghiêm trọng, biến hóa theo muôn hình vạn trạng và can thiệp sâu sắc vào mọi mặt của đời sống ở mọi nơi trên thế giới. Không chỉ là các loại tin sai trái, cố tình gây hiểu lầm, được lan truyền dưới hình dạng tin tức, mà nó đã trở thành “vũ khí cảm xúc” được dùng để tác động và làm sai lệch uy tín, phủ định vai trò của báo chí. Tin giả không chỉ liên quan tới lĩnh vực báo chí mà còn là mọi mặt đời sống bởi vậy, tác hại của nó là không giới hạn và khó đo lường hết.

Thời đại tin giả "lộng hành"

Tìm kiếm từ khóa "Tin giả" trên Google, có lẽ bạn sẽ không bất ngờ với hàng triệu kết quả nhận được. Từng giây, từng phút đều có tin giả xuất hiện với mức độ "nóng" và độ "lan tỏa" khác nhau. Năm vừa qua, nền báo chí nước ta đón nhận tin giả trong 2 mùa là mùa Covid-19 và mùa bão lũ. 

Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, cơn dịch “Fake news” cũng theo đó mà hoành hành. Cụ thể, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn ghi âm dài 1 phút cùng hình ảnh được chụp lại từ đoạn đối thoại với nội dung đã có 33 người chết vì nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Lý do thì quá đơn giản, người đưa tin muốn tỏ ra mình tiếp xúc được với nhiều nguồn tin, biết nhiều thông tin bí mật, khoe mẽ trong cộng đồng mạng. Còn có người thì lý do chỉ muốn tăng lượng tương tác để bán hàng online thuận lợi.

Tin giả - Virus của ngành báo chí hiện đại

H bị xử phạt 10 triệu đồng vì chia sẻ thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có 33 người chết do dịch. Ảnh: Internet

Hay như thông tin về việc du thuyền World Dream có 3 hành khách bị nhiễm Covid-19 đã ghé thăm vịnh Hạ Long. Trên thực tế, du thuyền này không có chương trình đến Hạ Long. 

Đáng buồn hơn, nhiều người nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng cũng tuyên truyền những thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh. Ngày 29/7, Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cũng ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với nữ ca sĩ Hòa Minzy vì chia sẻ thông tin giả mạo về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước Hòa Minzy, các nghệ sĩ khác như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng cũng từng bị Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh xử phạt vì phát ngôn, chia sẻ những thông tin sai liên quan đến dịch Covid-19.

Tin giả - Virus của ngành báo chí hiện đại

Người nổi tiếng chia sẻ tràn lan thông tin giả đến với công chúng. Ảnh: Internet

Tương tự với mùa mưa lũ, hàng loạt tin giả nổi lên như "nấm mọc sau mưa". Ngày 23/10, trên tài khoản mạng xã hội, Bùi Xuân Huấn (Huấn "Hoa Hồng") đăng video có tiêu đề "Các nghệ sĩ chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung" gắn logo Đài truyền hình, sử dụng nội dung phóng sự của Đài song có chỉnh sửa, lồng ghép hình ảnh Huấn đi làm từ thiện. Một ngày sau, Huấn gỡ video do bị tố cáo giả mạo. Sau đó, người này đã bị phạt 7,5 triệu đồng do làm giả bản tin.

Tin giả - Virus của ngành báo chí hiện đại

Bùi Xuân Huấn lợi dụng tin giả để "đánh bóng" bản thân. Ảnh: Internet

Cùng với tin giả này, một thông tin không đúng sự thật khác cũng lan truyền trên mạng, đó là cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 có khả năng mạnh lên tới cấp 17 (cấp siêu bão) và đổ bộ vào Trung Bộ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, thông tin này là hoàn toàn sai vì đến thời điểm này cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng như các nước khác không có dự báo như vậy.

Tin giả - Virus của ngành báo chí hiện đại

Những thông tin "nhiễu" càng gây hoang mang cho người dân. Ảnh: Internet

Tiếp đó, thông tin hồ Dạ Lam bị vỡ khiến người dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang ngập chìm trong mưa lũ càng hoang mang. Hay xuất hiện thông tin 5 người chết do mưa lũ cũng tại huyện Lệ Thủy. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định tất cả những thông tin này đều là tin bịa đặt.

Không dừng lại ở những thông tin bịa đặt, sai sự thật, sự hy sinh anh dũng của các cán bộ chiến sĩ quân đội nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cũng bị các đối tượng bôi nhọ.

Tin giả nhưng hậu quả thật

Tin giả - Virus của ngành báo chí hiện đại

Phòng, chống tin giả là việc làm cấp bách hiện nay. Ảnh: Internet

Câu chuyện "Fake news" chẳng hề mới nhưng cũng không hề cũ. Khi sự bùng nổ của thông tin lan rộng, internet về đến mọi nhà, trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại có thể cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi, chuyện “Fake news” lại trở thành cái gai khó bỏ. Những người gieo rắc tin giả chỉ cần ngồi một chỗ làm anh hùng bàn phím, thế mà lời nói của họ không cánh vẫn có thể bay khắp thiên hạ. Còn người làm báo chí phải đấu tranh để đi chứng minh tin tức của mình là tin cậy.

Hệ lụy đầu tiên có thể thấy được ở các tin giả đó là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông của đất nước nói chung và báo chí nói riêng, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. Từ đó làm lung lay vai trò định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin của báo chí. Đáng lưu ý, nhiều tổ chức, cá nhân phản động lợi dụng tính lan tỏa của tin giả để bôi xấu chính quyền, nhà nước, phục vụ cho những mục đích trái với nguyện vọng của nhân dân.

Những biện pháp, luật lệ đề ra để giảm tải thông tin "độc" cũng đã có, tuy nhiên nó vẫn cứ xuất hiện và để lại hậu quả ở mức độ khác nhau. Điều này có lẽ đến từ tư duy và nhận thức của con người. Có thể ngày hôm nay, đăng tin giả sẽ bị phạt một vài triệu đồng nhưng tính về đường lâu dài chẳng lẽ cứ phạt, phạt và phạt. Điều quan trọng ở đây, chính là công tác giáo dục con người, mạng xã hội hay môi trường báo chí cũng như một xã hội thu nhỏ, nếu con người văn minh tự khắc xã hội ấy cũng trở nên văn minh.

Trong luồng thông tin đa chiều hiện nay, bên cạnh những giải pháp đến từ cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy tự biến mình thành "công cụ" triệt tiêu tin giả bằng cách cẩn trọng nhìn nhận và tiếp thu thông tin, ở mức độ mạnh hơn hãy thẳng tay "report". "Virus" tin giả có đẩy lùi được hay không hoàn toàn nhờ những độc giả chân chính.

Ý kiến của bạn