Tim lợn nhiễm virus được sử dụng cấy ghép cho người
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến người đầu tiên được ghép tim lợn tử vong. Mới đây, họ đã phát hiện ra rằng tim của con lợn này nhiễm một loại virus động vật.
Theo hãng tin AP, ông David Bennett Sr, 57 tuổi, sống tại Maryland (Mỹ) đã tử vong hồi tháng 3, hai tháng sau khi thực hiện ca cấy ghép tim lợn đột phá. Đến hôm 5/5, các bác sĩ của Đại học Maryland thông báo họ đã phát hiện một điều không mong muốn – đó là DNA của một loại virus bên trong tim lợn. Loại virus này được xác định là virus cytomegalo ở lợn, có thể gây ra các triệu chứng như đau mắt đỏ, hắt hơi đến biến chứng khi mang thai, thai chết lưu.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định loại virus này đóng vai trò gì dẫn tới cái chết của người đàn ông ghép tim lợn. Các chuyên gia không tìm thấy dấu hiệu cho thấy loại virus cytomegalo này gây ra bất kỳ căn bệnh lây nhiễm nào hiện nay. Bởi vì một số loại virus tiềm ẩn - tồn tại nhưng không gây bệnh - có thể chỉ là vật trung gian lây truyền bệnh, theo Tiến sĩ Bartley Griffith, bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca cấy ghép của ông Bennett.
Điều này càng làm gia tăng mối lo về việc cấy ghép nội tạng động vật cho con người có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới hay không. Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã tìm cách sử dụng nội tạng động vật để cứu sống con người nhưng không thành công.
Trước đó, ông Bennett không đủ điều kiện để cấy ghép tim người. Do đó, ông đã phải trải qua ca phẫu thuật ghép tim từ một con lợn biến đổi gien. Các bác sĩ cho biết điều này giúp giảm nguy cơ hệ miễn dịch bài trừ cơ quan nội tạng mới.
Nhóm nghiên cứu cho biết con lợn hiến tạng được xác định khỏe mạnh, đã vượt qua cuộc kiểm tra theo yêu cầu của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để kiểm tra lây nhiễm và được nuôi trong một cơ sở đảm bảo an toàn trước các bệnh truyền nhiễm ở động vật.
Tuy nhiên, ông Joachim Denner, nhà nghiên cứu tại Viện Virus học thuộc Đại học Free Berlin, cho hay ê kíp phẫu thuật cho ông Bennett chỉ kiểm tra virus trong mõn lợn. Trong khi virus cytomegalo thường ẩn sâu hơn trong các mô và rất khó phát hiện. Do vậy, chuyên gia này cho rằng nhóm bác sĩ phẫu thuật có thể đã không tìm thấy virus khi chưa làm xét nghiệm triệt để. Ông nói thêm: “Con lợn được hiến tạng đã bị nhiễm bệnh, virus truyền qua cơ thể vật chủ mới qua đường cấy ghép”.
Bác sĩ phẫu thuật Griffith cho biết bệnh nhân của ông, từng rất yếu, đã hồi phục khá tốt sau ca cấy ghép. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân thức dậy trở nên tồi tệ hơn, với các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng. Các bác sĩ đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân và cho Bennett dùng nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus và một phương pháp điều trị tăng cường miễn dịch. Nhưng tim lợn bị sưng lên, chứa đầy chất lỏng và cuối cùng ngừng hoạt động.
Ông Griffith nói phản ứng này không phải là phản ứng thải trừ điển hình trong ghép tạng, ông lưu ý rằng cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Trong khi đó, trên khắp đất nước, nhiều bác sĩ tại các trung tâm y tế khác chuẩn bị thử nghiệm cấy ghép nội tạng động vật trên cơ thể người đang lo lắng. Họ sẽ sớm tiến hành các nghiên cứu chính thức trên những bệnh nhân còn sống. Không rõ phát hiện mới về virus ở lợn sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch đó như thế nào.
Tin nổi bật
Tin Video