Tin tức

Tiết lộ của chuyên gia nước ngoài duy nhất từng làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán

Nhà khoa học Danielle Anderson, 42 tuổi, người Australia, đã làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán của Trung Quốc khoảng vài tuần trước khi các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở miền Trung Trung Quốc.

29/06/2021 08:41

Không giống như mô tả của truyền thông

Danielle Anderson – chuyên gia nghiên cứu virus trên loài dơi, là nhà khoa học nước ngoài duy nhất thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm BSL-4 của Viện Virus học Vũ Hán – phòng thí nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc được trang bị để nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Thời gian làm việc, kết thúc vào tháng 11/2019, giúp cô có cái nhìn rõ ràng về một trong những nơi từng là tâm điểm chú ý trong cuộc điều tra nguyên nhân gây bùng phát đại dịch tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ.

Tiết lộ của chuyên gia nước ngoài duy nhất từng làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán - Ảnh 1.

Nhà khoa học Danielle Anderson tại Vũ Hán năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 tại thành phố Vũ Hán, nơi các nhà khoa học của Viện Virus học đang nghiên cứu chủng virus corona cùng họ có trên loài dơi đã làm dấy lên đồn đoán rằng, virus SARS-CoV-2 có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm và lây truyền ra bên ngoài qua một nhân viên bị mắc bệnh hoặc một vật thể có virus. Thêm vào đó, việc Trung Quốc mắc sai lầm trong đối phó dịch bệnh ở giai đoạn đầu cùng sự thiếu minh bạch thông tin đã khiến dư luận xoáy sâu vào giả thuyết này.

Công việc của phòng thí nghiệm và chuyên gia Shi Zhengli, một đồng nghiệp của Danielle Anderson, người phụ trách nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm của Viện Virus học Vũ Hán, hiện đang bị tranh cãi. Mỹ đã đặt câu hỏi về sự an toàn của phòng thí nghiệm này, đồng thời cáo buộc các nhà khoa học tại đây nghiên cứu cách thức biến đổi khiến virus trở nên nguy hiểm hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì mà Anderson mô tả trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg  khi cô lần đầu tiên chia sẻ chi tiết về công việc tại Viện Virus học Vũ Hán.

Theo Anderson, sự thật được tiết lộ nửa vời và những thông tin bị bóp méo đã che khuất bản chất chức năng và hoạt động của phòng thí nghiệm BSL-4, vốn khác xa so với cách nó được mô tả trên trên các phương tiện truyền thông. “Công việc không nhàm chán, nhưng đây là một phòng thí nghiệm bình thường, hoạt động tương tự như bất cứ phòng thí nghiệm nào khác”.

Danielle Anderson bắt đầu cộng tác với các nhà nghiên cứu Vũ Hán vào năm 2016 khi cô là giám đốc phòng thí nghiệm an toàn sinh học tại Trường Y Duke, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Cô từng nghiên cứu về virus Ebola và Nipah. Các nghiên cứu này đã bổ sung cho những nghiên cứu đang diễn ra tại Viện Virus học Vũ Hán.

Chuyên gia nước ngoài duy nhất làm việc tại phòng thí nghiệm

Danielle Anderson có mặt tại Vũ Hán vào thời điểm các chuyên gia tin rằng chủng virus mới, hiện được biết đến với tên gọi SARS-CoV-2 đang bắt đầu lây lan. Những chuyến thăm hàng ngày trong khoảng thời gian cuối năm 2019 đã giúp cô có cơ hội tiếp xúc với các nhân viên đang làm việc tại viện nghiên cứu 65 tuổi này. Vào mỗi buổi sáng, cô cùng các đồng nghiệp bắt xe buýt từ Viện Khoa học Trung Quốc tới Viện Virus học Vũ Hán, cách đó khoảng 32km.

Danielle Anderson trở nên nổi bật vì là chuyên gia nước ngoài duy nhất làm việc tại viện này và nhiều nhà nghiên cứu khác đã chú ý đến cô. “Chúng tôi ăn trưa, ăn tối cùng nhau, chúng tôi gặp nhau bên ngoài phòng thí nghiệm,” Anderson cho biết.

Ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến Viện Virus học Vũ Hán, Anderson đã rất ấn tượng với phòng thí nghiệm kiểm soát sinh học của viện. Đây là một tòa nhà bằng bê tông, thiết kế theo dạng boong-ke, có quy định đảm bảo an toàn sinh học vô cùng nghiêm ngặt, yêu cầu không khí, nước và chất thải phải được lọc và khử trùng toàn bộ trước khi đưa ra bên ngoài. Theo Anderson, điều này nhằm đảm bảo mầm bệnh không bị lây lan ra bên ngoài.

Tiết lộ của chuyên gia nước ngoài duy nhất từng làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm BSL-4. Ảnh: Getty

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phải trải qua 45 giờ đào tạo để được cấp chứng chỉ làm việc độc lập tại phòng thí nghiệm này. Họ phải hiểu rõ quy trình ngăn chặn dịch bệnh và làm quen với những bộ quần áo bảo hộ áp suất dương. Họ cũng phải thay trang phục và trải qua quá trình khử trùng bằng hóa chất kéo dài nửa tiếng cả khi ra và vào phòng thí nghiệm.

Những quy tắc này là bắt buộc đối với phòng thí nghiệm BSL-4, mặc dù nhà khoa học Anderson lưu ý, chúng vẫn có những điểm khác biệt so với quy định tại các phòng thí nghiệm tương tự ở châu Âu, Singapore và Australia – những nơi cô từng làm việc. Anderson được kết nối với các đồng nghiệp khác thông qua một hệ thống tai nghe để giữ liên lạc thường xuyên và tiếp nhận cảnh báo an toàn, nhằm tránh nguy cơ rủi ro.

Không ai bị ốm

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các cơ quan tình báo nước này tăng gấp đôi nỗ lực truy tìm nguồn gốc dịch Covid-19 sau khi tờ Wall Street Journal trích dẫn một báo cáo cho biết, có 3 nhà khoa học tại phòng thí nghiệm BSL-4 ở Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện với các triệu chứng giống bệnh cúm vào tháng 11/2019.

Tiết lộ của chuyên gia nước ngoài duy nhất từng làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán - Ảnh 3.

Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Getty/AFP

Tuy nhiên, Anderson cho biết, trong thời gian làm việc tại viện này cô không thấy bất cứ một đồng nghiệp nào bị ốm. Hơn nữa, tại những phòng thí nghiệm có nguy cơ cao, các nhân viên luôn phải tuân thủ quy trình báo cáo về các triệu chứng liên quan đến các mầm bệnh mà họ nghiên cứu.

“Nếu mọi người bị mắc bệnh thì tôi cho rằng bản thân tôi cũng bị lây bệnh. Nhưng tôi đã làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở Singapore trước khi tôi tiêm phòng và kết quả cho thấy tôi không hề nhiễm virus này”.

Nhiều cộng sự của Anderson tại Vũ Hán đã đến Singapore vào cuối tháng 12/2020 để tham gia hội thảo về virus Nipah. Không có bất cứ dấu hiệu hay bất cứ thông báo nào cho thấy virus SARS-CoV-2 đã bùng phát tại phòng thí nghiệm, Anderson nói. Chính phủ Trung Quốc và Shi Zhengli – nhà nghiên cứu hàng đầu về virus trên loài dơi đã nhiều lần bác bỏ thông tin nhân viên tại Viện này nhiễm SARS-CoV-2.

Tuy vậy, giả thuyết virus SARS-CoV-2 phát tán từ phòng thí nghiệm không phải là không có khả năng xảy ra. Hơn ai hết, Anderson hiểu rất rõ điều này. Song, cô nhấn mạnh nếu thực sự có bằng chứng về việc virus bị phát tán ra ngoài từ một sự cố trong phòng thí nghiệm thì cô “có thể dự đoán được mọi thứ sẽ xảy ra như thế nào”. Nhà khoa học này vẫn tin rằng virus có nguồn gốc trong tự nhiên. Trước đây, các nhà nghiên cứu đã mất gần 1 thập kỷ để tìm ra nguồn gốc dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp).

Bên cạnh đó, Anderson cho rằng, không có virus nào được tạo ra một cách cố ý để lây nhiễm sang người và cũng không ai cố tình phát tán virus – như một số giả thuyết mà nhiều người đưa ra.

Theo chuyên gia Anderson, về mặt lý thuyết, một nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm có thể vô tình phơi nhiễm với virus và sau đó lây nhiễm cho những người khác trong cộng đồng một cách không chủ ý. Nhưng đến giờ vẫn chưa có bằng chứng cho thấy điều đó và giả thuyết này rất ít khả năng xảy ra.

Hơn nữa, việc tạo ra một virus không hề đơn giản. Để thực hiện công việc này đòi hỏi cần phải có nhiều cấp phê duyệt và có những phương pháp khoa học tốt nhất. Ngay cả khi được cấp phép và có kỹ thuật tiến tiến thì công việc này cũng khó thành công. “Thực sự rất khó để khiến virus hoạt động khi bạn muốn nó hoạt động”, nhà khoa học Anderson nói.

Phòng thí nghiệm của Anderson ở Singapore là một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên phân lập được SARS-CoV-2 từ một bệnh nhân mắc Covid-19 bên ngoài Trung Quốc và sau đó nuôi cấy virus này. Đây là công việc phức tạp và đầy thách thức dù những người tham gia đã từng nghiên cứu về virus corona và hiểu đặc điểm sinh học của nó, cô cho biết. Theo Anderson, không ai biết trước được virus sẽ biến đổi ra sao và khả năng lây nhiễm của nó như thế nào, hơn nữa cũng rất khó nắm bắt đặc điểm di truyền của virus, vì vậy rất khó để tạo ra một virus có khả năng lây nhiễm sang người.

Dù vậy, nhà khoa học này vẫn cho rằng, một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc dịch Covid-19 là điều cần thiết. Anderson cho biết cô cảm thấy “sốc” về những gì mà một số truyền thông nước ngoài mô tả về phòng thí nghiệm tại Vũ Hán cũng như những lời chỉ trích nhằm vào các nhà khoa học làm việc tại đây.

Ý kiến của bạn