Tiết kiệm nghìn tỷ mỗi tháng nếu cho lái xe tự xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp chủ động làm xét nghiệm trên cơ sở giám sát của cơ quan y tế. Vậy cách thức thực hiện thế nào?
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải không chỉ phải gánh chi phí “khủng” xét nghiệm Covid-19 cho tài xế mà còn nguy cơ lây nhiễm cao tại các điểm tập trung lấy mẫu test.
Áp lực khi phải xét nghiệm 3 ngày/lần
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Delta cho biết: "Hiện đơn vị có khoảng 150 lái xe, tính sơ bộ chi phí xét nghiệm trong 1 tháng (2 lần/tuần) ước khoảng 300 triệu đồng (giá trung bình 230 nghìn đồng/lần test).
Đó là với test nhanh, còn với xét nghiệm PCR thì chi phí đội lên rất nhiều lần, mức giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng/lần. Chưa kể, kết quả xét nghiệm (dù là test nhanh hay PCR) cũng chỉ có giá trị trong 72 giờ".
"Do vậy, với những nơi đòi hỏi xét nghiệm PCR, riêng khoản lấy mẫu, đợi kết quả cũng hết nửa ngày nếu nhanh, còn chậm thì hết một ngày. Thậm chí, nhiều tài xế đi chưa hết hành trình, giấy xét nghiệm đã lại hết hạn….
Gánh nặng về thời gian, chi phí xét nghiệm gây mệt mỏi cho đội ngũ tài xế và gây khó khăn với hoạt động của các DN vận tải", ông Nghĩa nói thêm.
Tương tự, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung, chuyên vận chuyển hàng hóa chủ yếu là linh kiện điện tử, vật tư, nguyên vật liệu cho các khu chế xuất hoặc các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy ở nhiều nước Đông Nam Á cũng cho rằng, quy định của các địa phương về test Covid-19 chính là vướng mắc lớn nhất của DN.
“Để có được giấy phép cho suốt thời gian làm việc, từ lúc đi nhận hàng, trên đường đưa hàng qua các địa phương khác nhau để đến nơi trả hàng, sau đó quay về nhiều chuyến mất 2-3 ngày.
Nếu phải có giấy xét nghiệm PCR trong thời hạn 72 giờ từ lúc lấy mẫu thì 1 chuyến hàng có khi phải 2 lần test Covid-19”, ông Hào nói.
“Giả thiết tất cả các điểm giao hàng/nhận hàng (cửa khẩu/nhà máy) và các địa phương xe đi qua đều yêu cầu xét nghiệm thì mỗi lái xe 1 tháng phải test gối đầu nhau khoảng 11 lần.
Mỗi l lần test cộng thêm chi phí đi lại tới gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, việc test theo phương pháp PCR đều rất khó khăn vì các điểm xét nghiệm theo cách này thường cách xa quốc lộ và mỗi tỉnh, thành cũng chỉ có vài nơi có.
Nếu 1 DN có 70 lái xe, tổng chi phí hết cả vài trăm triệu/ tháng cho việc test Covid-19, đi cùng với nó là sự sợ hãi, chán nản của lái xe vì liên tục bị chọc mũi để lấy mẫu xét nghiệm, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao…”, ông Hào chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Vinafaco cho biết: “Chúng tôi hiện sở hữu hơn 200 đầu xe, chưa kể còn quản lý khoảng 1 nghìn xe hợp tác bên ngoài chạy toàn quốc.
Trung bình 1 xe vận doanh 24-25 ngày/tháng, 3 ngày test 1 lần, chỉ tính riêng chi phí xét nghiệm cho tài xế để vận hành 200 xe/tháng cũng khoảng 368 triệu đồng (với test nhanh). Khách hàng lại không sẵn sàng chi trả cho khoản đó, tự DN vận tải phải xoay xở”.
Theo thống kê của ngành GTVT, hiện có khoảng 2 triệu tài xế tham gia vận tải hàng hóa, như vậy tổng chi phí các DN vận tải chi ra để phục vụ riêng việc xét nghiệm đã khoảng 3.800 tỷ đồng/tháng.
Bộ Y tế khuyến khích tự test Covid-19 nhưng phải có giám sát
Trước tình trạng quá tải của hệ thống y tế trong mùa dịch, nguy cơ lây nhiễm cao tại các điểm xét nghiệm, ông Nghĩa mạnh dạn đề xuất: “Cần mở ra cho toàn dân tự test nhanh kháng nguyên, qua việc thương mại hóa tự do kinh doanh bộ kit test nhanh.
Theo đó, có thể cấp mã số cho từng bộ kit, khi khai báo có kèm số liệu bộ kit test, tin học hóa đảm bảo kết quả có độ tin cậy, không có cơ hội bị làm giả, sử dụng lại…”.
Theo ông Nghĩa chi phí mỗi bộ kit test Covid-19 chỉ vài chục nghìn đồng, trong khi thực hiện xét nghiệm nhanh ít nhất DN phải chi hơn 200 nghìn đồng/lần.
“Thực tế, năng lực của ngành Y tế không thể đảm bảo xét nghiệm cho hàng triệu lái xe. Do đó, nếu để DN được mua bộ kit tự xét nghiệm cho lái xe thì không chỉ tiết kiệm nguồn lực cho hoạt động phòng chống dịch, vừa giúp ngành vận tải giảm chi phí”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Tương tự, theo bà Hương, xét nghiệm Covid-19 chỉ là 1 trong dãy dài các quản trị đảm bảo phòng dịch khác mà các DN vận tải đang thực hiện như lái xe mặc đồ bảo hộ, ngồi trên cabin không tiếp xúc, niêm phong ca bin trong hành trình điểm đầu - cuối với chặng ngắn…
“Việc phòng chống dịch gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi DN, hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm trong việc quản lý rủi ro đó. Bởi chỉ xuất hiện 1 ca F0, DN phải dừng hoạt động”, bà Hương nói.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ vận tải, Bộ Y tế đã quyết định cấp 100.000 test nhanh cho Bộ GTVT để thực hiện xét nghiệm miễn phí tại các bến, bãi vận tải.
Xe xuất bến là địa phương làm test nhanh và cấp giấy chứng nhận, nếu hết hạn có thể dừng ở bất kỳ trạm dừng nghỉ nào làm xét nghiệm. Trong quá trình đi lại không dừng ở bất kỳ điểm nào thì không cần xét nghiệm”.
Qua đây, ông Sơn cũng nhấn mạnh: “Bộ Y tế khuyến khích các DN chủ động làm xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, để có giá trị pháp lý vẫn cần có sự giám sát của cơ quan y tế”.
Trước tình trạng DN khó tiếp cận nguồn kit test chất lượng, ông Sơn cho biết, Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm kiểm tra, cấp phép các sản phẩm kit test đã đủ điều kiện, trên thị trường một số DN vẫn tìm mua được.
Tuy nhiên, hiện các nguồn sản xuất kit test đang tập trung phòng chống dịch cộng đồng là chủ yếu nên ở giai đoạn này, các DN vận tải cần có sự hỗ trợ của Bộ chủ quản theo số lượng test mà Bộ Y tế đã phân cho Bộ GTVT”.
Tin nổi bật
Tin Video