Kinh doanh

Tiếp nối thành công năm 2021, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022

(VOVTV) - Ngày 21/4, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 và chiến lược phát triển năm 2022 của Tổng công ty.

Tác giả Giang Nam / VOVTV
22/04/2022 14:29

Đại hội được thực hiện dưới sự điều hành của Đoàn chủ tịch, bao gồm ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT, chủ tọa Đại hội, ông Nguyễn Xuân Đông, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, ông Dương Văn Mậu, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực.

Theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2022 của Vinaconex, năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.296 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 520 tỷ đồng.

Đây là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng Tổng công ty Vinaconex vẫn vững vàng với chiến lược phát triển dựa trên 3 lĩnh vực chính là xây dựng, bất động sản, đầu tư tài chính. Theo đó, Vinaconex đã trình cổ đông thông qua nhiều mục tiêu đáng chú ý trong năm nay: doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.400 tỷ đồng, đạt lần lượt 243% và 269% so với thực hiện 2021.

Tiếp nối thành công năm 2021, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022 - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vinaconex đã thông qua nhiều mục tiêu quan trọng

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao như vậy, ban lãnh đạo Vinaconex cho biết vẫn tập trung vào chiến lược phát triển 3 lĩnh vực cốt lõi (Xây dựng, Bất động sản, Đầu tư tài chính). Vì vậy năm 2022 và các năm tiếp theo, doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để M&A, đầu tư vào các công ty, dự án tiềm năng, quy mô lớn. Đồng thời thoái vốn tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không cần nắm giữ vốn.

Theo kế hoạch dự kiến, trong năm 2022 Tổng Công ty sẽ triển khai công tác bán hàng của các dự án như: Dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, Tp.Móng Cái, Quảng Ninh; dự án đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, Quảng Ninh; dự án tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại 93 Láng Hạ; dự án Cái giá Cát Bà; dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (tiếp tục khai thác khách hàng thuê mặt bằng và hạ tầng tại dự án tại diện tích đất còn lại).

Tiếp nối thành công năm 2021, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022 - Ảnh 2.

Vinaconex vinh dự là nhà thầu thi công cầu núi Đọ, cây cầu dài nhất cao tốc đoạn Mai Sơn - QL 45

Các dự án có thể hạch toán được doanh thu, lợi nhuận trong năm 2022 gồm: Dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, Tp.Móng Cái, Quảng Ninh; hạch toán được một phần doanh thu, lợi nhuận của dự án đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, tp. Móng Cái, Quảng Ninh; dự án tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại 93 Láng Hạ; dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Năm 2021, Tổng công ty đã trúng thầu và đang đẩy mạnh thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng nhiều dự án lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, xây dựng dân dụng, công nghiệp với tổng giá trị trúng thầu khoảng trên 10.000 tỷ đồng, tiêu biểu là các gói thầu thuộc cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án thủy điện Yaly mở rộng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; dự án Cung thiếu nhi; dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.

Tiếp nối thành công năm 2021, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022 - Ảnh 3.

Dự án Cát Bà - Amatina là một dự án tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế tại đảo Cát Bà

Bên cạnh việc triển khai công tác nghiên cứu lập quy hoạch và phát triển một số dự án tại các tỉnh như: Dự án khu đô thị sinh thái tâm linh Biển Hồ, Phú Yên (338 ha); dự án làng đô thị xanh Lai Nghi tại Quảng Nam (460ha); dự án khu đô thị Đồi Chè tại Cao Xanh, Quảng Ninh với quy mô gần 50 ha…, Tổng công ty tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển một số dự án tại khu vực xung quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Về siêu dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà, Cát Bà - Amatina, lãnh đạo Vinaconex cho biết dự án đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình tiện ích và triển khai đồng bộ các hạng mục tại dự án. Sản lượng đầu tư 2022 tại Cát Bà - Amatina dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, Vinaconex đã hoàn thành việc mua thêm cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Vinaconex – ITC, chủ đầu tư dự án Cát Bà – Amatina (mã CK: VCR) lên 51%. Điều này mang lại nhiều lợi thế cho cả TCT Vinaconex và Vinaconex ITC.

Dự án Cát Bà Amatina là một dự án tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế tại đảo Cát Bà BĐS được đánh giá là có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư là Vinaconex ITC.

TCT Vinaconex có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Vinaconex ITC về năng lực tài chính và quản lý phát triển dự án bất động sản, giúp ITC thực hiện tốt công tác đầu tư và kinh doanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh doanh của Dự án theo đúng mục tiêu.

Đáng chú ý, Đại hội cổ động của Vinaconex cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 28%, trong đó 18% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 6% trong năm năm 2021), và 10% bằng cổ phiếu. Để thực hiện phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, Vinaconex sẽ phát hành 44,1 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau phát hành tăng lên 4.858 tỷ đồng.

Tiếp nối thành công năm 2021, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022 - Ảnh 4.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT tại đại hội cổ đông

Trao đổi với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cũng khẳng định mong muốn và quyết tâm của HĐQT, Ban TGĐ và cán bộ nhân viên tổng công ty về việc đưa Vinaconex trở thành tập đoàn kinh tế top đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, chăm lo tốt đời sống cho người lao động, đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, tổng doanh thu, lợi nhuận cũng như các khoản nộp ngân sách và phúc lợi xã hội ngày càng tăng.

Ý kiến của bạn