Tiếng Việt 1 không dạy chữ P: 'Cải tiến hoá cải lùi, sai lầm nghiêm trọng'
Theo chuyên gia ngôn ngữ, sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P độc lập là sai lầm, lạc hậu và không tiếp thu những nghiên cứu mới.
Sáng 28/2, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông khẳng định, sách Tiếng Việt lớp 1 mà không dạy bài chữ P độc lập là sai lầm nghiêm trọng.
Cải tiến hoá cải lùi
Theo PGS Nguyễn Hữu Đạt, trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm ở cuối thế kỷ 20, các chuyên gia đồng nhất quan điểm âm P được coi là âm mượn từ nước ngoài, không có trong Tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi - môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh. Nhưng đó là nhìn nhận âm P với tính chất là phụ âm đầu.
Tuy nhiên, trong cấu tạo âm tiết Tiếng Việt, P còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục) và nhiều từ láy như: chiêm chiếp, thiêm thiếp...
Cuối thế kỷ 20, các từ có âm P mở đầu rất ít, như: pinh pông (bóng bàn), pô - pô - lin, pê - ni - xi - lin,… Còn hiện nay, số lượng các từ có âm P du nhập vào Việt Nam ngày càng tăng lên. Do đó, việc không dạy âm P trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là chủ trương không đúng và lạc hậu so với thời cuộc, thiếu tính cập nhật những nghiên cứu mới. "Việc chỉ giới thiệu các từ có âm P là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu", vị chuyên giá nói.
Chữ P có hai chức năng. Thứ nhất, chức năng mở đầu âm tiết, nên gọi là phụ âm đầu (gọi tắt là âm đầu). Thứ hai, chức năng đóng âm tiết nên gọi là phụ âm cuối (gọi tắt là âm cuối). Trong khi đó sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đang bỏ thiếu một chức năng trong dạy chữ P.
PGS Đạt so sánh với “Sách học vần” năm 1977 và 1981, dù bài học về chữ P được ghép cũng với Ph nhưng cách tác giả dạy rất kỹ. Còn với sách "Em học vần" xuất bản năm 1958" bài chữ P không được dạy, mà ghép chung vào chữ Ph. Có thể thấy Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống mang quan điểm giống với những cách thiết kế sách từ hơn 60 năm trước. "Cải tiến như vậy chẳng hoá ra đang cải lùi", ông nói và đề nghị các tác giả sách bộ Kết nối tri thức với cuộc sống nên tiếp thu, chỉnh sửa.
Tác giả không phân biệt âm P và chữ P
Ngày 25/2, thầy Đào Quốc Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) lên tiếng phản bác những lập luận của PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, liên quan đến sách giáo khoa không dạy chữ P độc lập. Thầy Vịnh cũng là người gửi thư lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phản ánh về vấn đề này.
Thầy Vịnh cho rằng, tác giả cuốn sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không phân biệt được âm P và chữ P. "Trong thư gửi Bộ trưởng, tôi đã nói rõ là sách giáo khoa không dạy cả âm P và chữ P".
"Theo chủ biên sách trong Tiếng Việt âm P có thể xuất hiện ở đầu hoặc cuối âm tiết, sách của họ dạy âm P ở cuối âm tiết. Tuy nhiên, lập luận này thực sự làm tôi ngỡ ngàng với lỗ hổng trong kiến thức về ngôn ngữ học. Họ không phân biệt được phụ âm đầu P và phụ âm cuối P", ông nói và cho rằng hai âm vị này hoàn toàn khác nhau. Hy vọng các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 hãy đọc lại và suy ngẫm thật thấu đáo cuốn sách của GS Đoàn Thiện Thuật mà đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viện dẫn để hiểu rõ hơn thế nào là phụ âm đầu và phụ âm cuối.
Với lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, các nhà khoa học có thể đưa ra những ý kiến khác nhau, nhưng không phải ai cũng tán thành quan điểm như chủ biên cuốn sách đã dẫn. Nếu cho rằng trong Tiếng Việt không có phụ âm đầu P thì tại sao mọi người ở Việt Nam đều phát âm được những từ mở đầu bằng âm P như: “Pác Bó”, “Pa - cô”, “Sa Pa”, “đèn pin”, “pa nô”,… Không thể coi “Pác Bó”, “Sa Pa”, “Pa-cô”,… là từ ngoại lai chưa Việt hóa.
Còn những từ “pa nô”, “pin”, “pi - a - nô”, chủ biên sách cho rằng, từ này mượn của nước ngoài là chưa thật sự hợp lý. Hàng chục năm nay, những từ này đã được đưa vào từ điển Tiếng Việt.
Ông cũng bác bỏ lời giải thích, sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy chữ P giống với Tiếng Việt 1 của Bộ GD&ĐT theo chương trình cũ năm 2000. Ông cho rằng, đây là lập luận tùy tiện, mang tính sao chép nhưng thiếu đồng bộ. "Sách Tiếng Việt 1 trước đây đã cũ, cần phải thay đổi nên mới có chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, trong cuốn sách cũ đó các chủ biên sách cũng tuy không dạy âm P nhưng có dạy chữ P. Về điểm này, những người viết sách giáo khoa mới đã không đọc tham khảo", thầy Vịnh nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, khẳng định, sách có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD&ĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định cứng, không bộ sách giáo khoa nào có thể thay đổi.
Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một). Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. "Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở", ông nói.