Tiền Giang: Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận mỗi vụ gần 20 triệu đồng/ha
(VOVTV) - Qua sơ kết Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao” giai đoạn (2018 – 2020) tại tỉnh Tiền Giang cho thấy mô hình này có triển vọng, tiết kiệm chi phí cho phân, thuốc bảo vệ thực vật và thu lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa bình thường, mở ra hướng đi mới cho nhà nông.
Trong năm 2020, Dự án "Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao" được triển khai ở 4 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), với quy mô hơn 2.300ha; trong đó có hơn 40 ha trình diễn. Mô hình này sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM4900, OM 461, ST24...
Để thực hiện mô hình, nông dân tham gia Dự án đã ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác lúa như: Sử dụng máy cấy lúa, máy phun hạt giống, sạ hàng khi xuống giống; sử dụng phân bón tan chậm; áp dụng quy trình canh tác "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"... Qua thu hoạch, năng suất lúa trong Dự án đạt trung bình 6,25 tấn/ha, cao hơn sản xuất thông thường 0,2 tấn/ha.
Đặc biệt, lúa trong mô hình gieo sạ thưa phát triển tốt, ít sâu bệnh, tiết kiệm chi phí nên cho lợi nhuận mỗi vụ gần 20 triệu/ha, cao hơn sản xuất thông thường hơn 3,4 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động xấu do sản xuất lúa gây ra, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao sẽ nhân rộng ra Thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích sản xuất khoảng 4.000hecta; trong đó ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân 40% lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân tăng thêm lợi nhuận trong sản xuất lúa.