Tin tức

Tiền Giang: Bệnh viện 1000 giường 'bị treo' chưa xác định thời điểm hoạt động

(VOVTV) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang được xây hoàn chỉnh hơn 1 năm qua nhưng do khó khăn, bất cập trong việc di dời trang thiết bị nên vẫn chưa biết thời điểm nào đưa vào hoạt động phục vụ bệnh nhân.

Tác giả Nhật Trường/VOV ĐBSCL
12/12/2022 09:06

Dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, được xây dựng trên diện tích 10 ha (tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho), tổng diện tích xây dựng hơn 19.000 m2, bao gồm một khu phức hợp với bốn khối chức năng cao 10 tầng, kinh phí 2.350 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.750 tỷ đồng, còn lại 600 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Khu chính có 10 tầng nổi và một tầng hầm, quy mô 1.000 giường, có quy mô lớn trong khu vực.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, để bệnh viện mới này đưa vào hoạt động phải tiến hành di dời hơn 600 danh mục thiết bị từ bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang (tại phường 1, Tp. Mỹ Tho) ra đây. Tuy nhiên thời gian qua, việc tổ chức đầu thầu để di dời các trang thiết bị đến bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang mới xây gặp nhiều khó khăn, ít có nhà thầu tham gia.

Tiền Giang: Bệnh viện 1000 giường 'bị treo' chưa  xác định thời điểm hoạt động - Ảnh 1.

Bệnh viện đa khoa Tiền Giang 1000 giường “ bị treo” do chưa thể di dời xong các trang thiết bị từ bệnh viện cũ sang.

Qua nhiều lần gia hạn đấu thầu, đến nay vẫn mới tổ chức đấu thầu được 1/3 gói thầu. Đặc biệt 2 gói thầu cần phải di dời là hệ thống không lắp đặt (hệ thống cấp cứu điều trị cho bệnh nhân) và các hệ thống máy lắp đặt quy mô lớn, quan trọng, rất khó chọn được nhà thầu và công tác này rất khó khăn, phức tạp; phải được sự chấp thuận từ các hãng cung cấp thiết bị ngoài nước.

Hơn nữa bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang hiện đang điều trị cho khoảng 1.400 bệnh nhân cho nên việc di dời trang thiết bị là phải thực hiện đồng bộ cả 3 gói thầu để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân. Do đó, thời điểm đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang vẫn chưa xác định.

“Nguyên nhân chậm tiến độ là các nhà thầu sợ trách nhiệm nên không tham gia vì máy đã qua sử dụng, máy có giá trị lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân có gì họ phải chịu trách nhiệm. Tiền chi cho di dời thì không bao nhiêu nhưng trách nhiệm rất lớn, nên nhà thầu ngại. Trong thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo khẩn trương đế sớm đưa bệnh viện đi vào hoạt động. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế mời các đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế đến phải chia sẻ thực hiện các gói thầu di dời các trang thiết bị này về để sớm đưa vào hoạt động”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho hay./.

Ý kiến của bạn