Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới góc nhìn của một ông bố là bác sỹ
Bác sỹ y khoa Nguyễn Tiến Phúc cho rằng, khi trẻ em không được tiêm vaccine Covid-19, dịch sẽ lưu hành hàng năm trong cộng đồng trẻ em mặc dù trẻ có thể bị nhẹ, tỷ lệ nặng ít nhưng trong quá trình sinh hoạt sẽ lây ngược lại người lớn…
Thông tin của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là giới chuyên môn và phụ huynh học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội tốt để tiến tới việc sống chung với Covid-19 một cách bình thường, cũng như để học sinh được tới trường học và ra ngoài vui chơi. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến lo lắng về ảnh hưởng của vaccine Covid-19 đối với con em mình khi trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện cơ thể về mặt sinh học.
Bác sỹ y khoa Nguyễn Tiến Phúc khẳng định, là một bác sĩ anh sẽ lựa chọn phương án tiêm vaccine Covid-19 cho các con và chọn loại tiểu đơn vị Protein hoặc virus bất hoạt Sinopharm hoặc Pfizer.
Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Phúc, trên một con virus hoàn thiện thì có rất nhiều kháng nguyên như Protein S, Proten N, kháng nguyên màng, kháng nguyên vật chất truyền… Vì vậy, khi cơ thể tiếp xúc với cả con nguyên vẹn sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và nhiều nguy cơ hơn khi chỉ tiếp xúc với một phần kháng nguyên có trong vaccine. Cho nên, trong một cộng đồng thì chắc chắn trẻ con cũng có nguy cơ nhiễm. Vì thế nên để trẻ có miễn dịch mà phản ứng nhẹ nhàng hơn là phản ứng nặng.
Bác sỹ Phúc lý giải, trong các quan sát về lâm sàng trên những đứa trẻ nhiễm Covid-19, người ta thấy rằng hầu như là rất nhẹ. Cho nên khi tiêm vaccine Covid-19 thì triệu chứng chắc chắn cũng rất nhẹ bởi cơ thể phản ứng với cả con virus còn nhẹ thì đương nhiên với một phần của con virus cũng rất nhẹ.
“Vấn đề còn lại là ở các chất dẫn và phụ gia có trong vaccine. Thực ra các chất này đã được ứng dụng trên nhiều loại vaccine mà chúng ta hay con chúng ta vẫn tiêm trong chương trình tiêm chủng, như các muối nhôm, formaldehyde, một số loại vaccine phải dùng cả kháng sinh trong quá trình bào chế. Đương nhiên là tuỳ loại vaccine, tuỳ mục đích, tuỳ cách chế tạo mà có thành phần tương ứng…”- bác sỹ Phúc nhấn mạnh.
Trẻ em không được tiêm, dịch sẽ lây ngược lại người lớn
Bác sỹ Phúc cho rằng, khi trong cộng đồng mà trẻ em không được tiêm vaccine Covid-19, dịch sẽ lưu hành hàng năm trong cộng đồng trẻ em mặc dù trẻ có thể bị nhẹ, tỷ lệ nặng ít. Dịch lưu hành trong cộng đồng trẻ em trong quá trình sinh hoạt sẽ lây ngược lại người lớn, mặc dù cộng đồng người lớn có miễn dịch do tiêm vaccine hay do đã nhiễm trước đó.
“Miễn dịch Covid-19 có thể bền vững 2-3 năm, nhưng không ai đảm bảo bền vững 10 năm hay 15 năm. Người lớn mỗi năm sẽ già đi và mắc các bệnh nền nào đó. 5 năm là nhóm 45 tuổi sẽ trở thành nhóm 50 tuổi, nhóm 55 tuổi sẽ thành nhóm 60 tuổi với hệ miễn dịch suy giảm, có chắc nhóm tuổi này vững vàng để vượt qua dịch bệnh khi vẫn còn virus lưu hành? Mỗi lần lây truyền là một lần có thể có nguy cơ gây ra đột biến. Khi lây truyền trong cộng đồng trẻ em, virus vẫn có thể đột biến sang một chủng mới nguy hiểm hơn, và có thể kháng lại các vaccine hiện hành”- bác sỹ Phúc cho biết.
Theo bác sỹ Phúc, không phải ai tiêm vaccine cũng có mức độ miễn dịch như nhau mà phản ứng khác nhau sau tiêm, có người sốt có người không, có người biểu hiện nặng, có người dị ứng… Và sẽ có người đủ miễn dịch sau tiêm, có người không đủ miễn dịch sau tiêm, có người miễn dịch nhiều, có người miễn dịch ít. Điều này chỉ có thể dùng xét nghiệm định lượng miễn dịch sau tiêm cho từng loại kháng nguyên./.
Tin nổi bật
Tin Video