Tiêm chủng chậm chạp, tỷ lệ tử vong ở Đông Âu cao không ngờ
Dữ liệu thống kê của Reuters cho thấy 3 trong 5 quốc gia ghi nhận số người chết vì dịch nhiều nhất thế giới nằm ở Đông Âu.
Tính tới 24/10, số ca COVID-19 được ghi nhận ở Đông Âu từ đầu dịch đã vượt 20 triệu trường hợp. Khu vực này đang phải đối mặt với đợt bùng dịch tồi tệ nhất kể từ khi dịch bùng phát với nguyên nhân phần lớn là do tốc độ tiêm chủng chậm chạp.
Các quốc gia ở Đông Ấu có tỷ lệ chích ngừa cho dân thấp nhất ở châu Âu với chưa tới một nửa dân số được tiêm mũi đầu tiên.
Hungary đứng đầu về trong khu vực về tỷ lệ tiêm chủng với 62% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi trong khi Ukraine mới chỉ có 19% dân số được tiêm mũi đầu.
Số ca nhiễm trong khu vực này tăng mạnh thời gian gần đây với trung bình 83.700 ca COVID-19/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020.
Theo phân tích của Reuters, 3 trong số 5 quốc gia ghi nhận số nhiều người chết nhất trên thế giới vì dịch nằm ở Đông Âu là Nga, Ukraine và Romania.
Các hoạt động tụ tập đông người sau khi các nước dỡ bỏ các hạn chế chống dịch cùng với việc mùa đông đang tới được cho các lý do khiến số ca bệnh tăng mạnh ở các quốc gia trên khắp châu Âu.
Những ngày qua, hàng trăm người đổ xuống đường biểu tình ở thủ đô Sofia của Bulgaria và nhiều thành phố khác để phản đối việc áp dụng thẻ xanh COVID-19.
Một cuộc thăm dò của Ủy ban châu Âu cho thấy ít nhất 1/3 dân số ở các quốc gia ở phía đông liên minh châu Âu không tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, thấp hơn 18% so với mức trung bình của khối.
Hơn 40% các ca nhiễm mới ở Đông Âu được ghi nhận ở Nga. Tại Nga, cứ 5 phút lại có 120 người được xác nhận mắc COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nga đang chịu áp lực rất lớn.
Quốc gia này hôm 22/10 báo cáo số ca tử vong vì dịch kỷ lục trong ngày thứ 4 liên tiếp.
Cho đến nay, Nga mới chỉ tiêm chủng cho khoảng 36% dân số dù là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19.
Slovakia báo cáo 3.480 ca COVID-19 mới hôm 19/10, cao nhất kể từ tháng 3. Quốc gia với dân số chỉ 5,5 triệu người này mới chích ngừa cho chưa tới 50% dân số.
Tại Romania, các bệnh viện đang phải hoạt động với hết công suất với các giường cấp cứu trên cả nước đều đã kín bệnh nhân.
Hôm 22/10, Ukraine ghi nhận số ca bệnh và người chết vì dịch cao kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp. Nước này cũng đã mở rộng tình trạng khẩn cấp cho phép giới chức áp đặt các biện pháp chống dịch mạnh tay hơn để ngăn đà tăng của làn sóng lây nhiễm.