Tiệm bánh rán nằm giữa lòng phố cổ, mỗi ngày 'hết veo' 10.000 chiếc
(VOVTV) - “Hải Xệ - Bánh rán Cao Lâu” đặt tại số 5 Lương Ngọc Quyến là địa điểm quen thuộc của nhiều thế hệ người Hà thành hơn 30 năm qua. Bình quân mỗi ngày có hàng trăm lượt khách ghé tới quán, tiêu thụ khoảng 10.000 chiếc bánh.
Nằm ở ngay đầu đường Lương Ngọc Quyến cắt Nguyễn Hữu Huân, "Hải Xệ - Bánh rán Cao Lâu" hay được người dân phố cổ gọi với cái tên thân thuộc "Quán bánh rán cô Yến" luôn nhộn nhịp khách đến suốt hơn 30 năm qua.
Theo lời kể của bà Đỗ Thị Yến (65 tuổi) chủ quán "Hải Xệ - Bánh rán Cao Lâu", kể từ khi hơn 20 tuổi, bà đã bắt đầu tìm tòi công thức để tạo ra những chiếc bánh rán ngon nhất.
"Gia đình không có truyền thống làm bánh rán, tôi yêu thích bán rán chính từ những gánh hàng rong thời thơ ấu. Bắt đầu học hỏi và làm ra những chiếc bánh rán đầu tiên lúc hơn 20 tuổi, tuy nhiên vì một số lý do mà tôi không thể theo nghề, phải bỏ dở một quãng thời gian dài. Đến năm 1990, tôi bắt đầu mở quán tại số 5 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) này cho đến tận bây giờ", bà Yến kể.
Nói về điều tâm huyết và luôn muốn gì giữ cho quán bánh rán của mình, bà Yến cho biết, muốn có chiếc bánh ngon cần có sự tỉ mỉ, tâm huyết nên người làm ở đây đều là anh em trong nhà, bà không thuê người ngoài.
Dù không gian quán chỉ rộng khoảng 10 mét vuông nhưng tất cả các công đoạn làm bánh đều thực hiện tại đây, từ việc xay bột, nhào bột, làm nhân, nặn bánh, rán cho đến thắng đường… ngay trước mắt các thực khách.
Được biết, mỗi ngày bà Yến cùng mọi người bắt đầu công việc từ 4h30 sáng, đến 5h là có mẻ bánh đầu tiên, đóng cửa vào lúc 8h tối. Bình quân mỗi ngày quán bán 100kg gạo, rơi vào khoảng 10.000 chiếc bánh. Nguyên liệu làm ra chỉ đủ để bán hết trong ngày, nếu nguyên liệu để tồn lại đến hôm sau bánh sẽ không bao giờ đạt được độ "mềm bên trong, giòn bên ngoài".
Tuy quán nằm trong khu phố cổ được mệnh danh với giá cả đắt đỏ nhưng những bánh rán lại ở mức giá cực mềm: 3.000 đồng/chiếc đối với bánh rán mặn và 2.000 đồng/chiếc đối với bánh rán ngọt. Bà Yến cho biết, sở dĩ có giá bán như vậy bởi không mất tiền thuê mặt bằng, mọi công đoạn, nguyên liệu đều do người nhà tự làm nên giảm bớt chi phí.
"Nói khó thì không phải mà bảo dễ cũng không đúng, bản thân tôi tâm niệm rằng, sự thành công và tồn tại của quán suốt 3 thập kỷ qua được tạo nên từ lòng yêu nghề, say mê với nghề.
Khi bắt đầu mở bán, để thu hút thực khách, ngoài những chiếc bánh ngon thì người bán phải luôn trong tâm trạng niềm nở. Không ít vị khách đã bảo tôi rằng, đã ăn ở đây rồi thì không thể ăn ở đâu được nữa. Chính những lời động viên, khích lệ đó mà bản thân tôi cuốn hút theo nghề, càng dồn tâm huyết để làm ra chiếc bánh chất lượng hơn", bà Yến chia sẻ.
Khi được hỏi liệu có dạy nghề cho con, cháu để tiếp tục gìn giữ quán bánh truyền thống, bà Yến bộc bạch: "Các con tôi hiện đều làm nhà nước, công việc ổn định, nhưng chắc chắn tôi sẽ truyền nghề lại cho các cháu chứ không thuê người ngoài về làm".