Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ từ những kho hàng, ki ốt ngay trung tâm thủ đô Hà Nội
(VOVTV) - Nguy cơ cháy nổ vẫn đang hiện hữu từng ngày, từng giờ khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực giữa lòng Thủ đô, điển hình là chợ dân sinh, nhà xưởng, kho phế liệu… công tác phòng cháy chữa cháy vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Suốt nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như kho hàng, ki ốt, nhà xưởng, điểm thu mua phế liệu… vẫn đang chủ quan với việc phòng chống cháy nổ.
Ghi nhận của phóng viên VOVTV, tại khu vực chợ Láng Hạ (quận Đống Đa) được chia thành nhiều ki ốt, gian hàng với hàng trăm thứ hàng hóa khác nhau, đặc biệt là các vật liệu dễ cháy như đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy…
Trong khi đó, công tác phòng chống cháy nổ vẫn chưa được các tiểu thương và ban quản lý chợ quan tâm nhiều. Các gian hàng bố trí, sắp xếp cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm, gây khó khăn cho quá trình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Mặt trước của chợ Láng Hạ là dãy dài ki ốt với đủ loại hàng hoá. Công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại đây vẫn còn rất sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

Mỗi ki ốt rộng chưa tới 20m2, được quây kín bằng tôn sắt và chỉ có duy nhất một cửa ra vào

Không chỉ là nơi buôn bán, một số ki ốt còn là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của các tiểu thương

Hàng hóa được bày bán chật kín cả trong lẫn ngoài

Lối đi gần như bị lấp kín

Những mặt hàng dễ bắt lửa như quần áo, vải lụa… treo móc, trưng bày khắp nơi

Tất cả những ki ốt chất đầy hàng hóa này đều không có bình cứu hỏa hay các thiết bị chữa cháy
Là một tuyến đường nhỏ hẹp, chỉ dài hơn 200m, không có vỉa hè nhưng tại phố Gầm Cầu (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) hoạt động ăn uống và buôn bán diễn ra khá tấp nập. Đặc biệt, ở đây có những ki ốt được dựng lên nhằm phục vụ chứa hàng hóa buôn bán.
Trước đó vào khoảng 12h ngày 10/3, một đám cháy lớn bùng phát tại ngôi nhà ở số 17, ngõ 7 phố Gầm Cầu, sau đó lan sang nhà số 15 và 19, là kho chứa văn phòng phẩm và dép nhựa. Do ngõ nhỏ, lại nhiều đồ dễ cháy, nên đám cháy khá lớn, đã ba lần lực lượng chức năng tưởng dập được, nhưng đám cháy lại bùng lên. Phải đến hơn 13h, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Lối đi lại nhỏ hẹp trong khi có hàng loạt các ki ốt chứa hàng dễ bắt lửa, phố Gầm Cầu trở thành nơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ

Do không gian chật hẹp nên trong mỗi ki ốt luôn chật ních hàng

Các gian hàng này hầu như không có bất kỳ một thiết bị phòng cháy chữa cháy nào

Nhiều tiểu thương còn bày hàng hóa tràn xuống lòng đường
Ngõ 68A đường Đỗ Đức Dục (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cũng là một điểm nóng về sự lơ là công tác phòng chống, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao với hàng loạt nhà kho, xưởng sản xuất biển quảng cáo, gia công nhôm sắt và thu gom phế liệu.

Trong con ngõ 68A đường Đỗ Đức Dục có hàng chục cơ sở gia công nhôm sắt, biển quảng cáo

Cơ sở gia công, thi công quảng cáo nằm tại số 6, ngõ 68A đường Đỗ Đức Dục rộng hàng trăm mét vuông được quây kín bằng tôn

Dù bên trong công nhân vẫn đang làm việc nhưng nơi đây luôn đóng kín cửa, chỉ mở lối đi đủ cho một người qua

Ngay bên cạnh là một cơ sở thu mua phế liệu

Nơi này cũng chỉ được dựng lên từ những thanh sắt và tấm tôn để chứa tất cả các loại phế liệu như nhựa, giấy... thậm chí cả các thiết bị dễ cháy, nổ như bình ắc-quy, bình gas, linh kiện điện tử

Cơ sở này còn có một chiếc máy ép phế liệu với hệ thống dây điện chằng chịt đặt ngay cạnh núi bìa cát tông, tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn nếu xảy ra chập điện

Tại đây không được bố trí lối thoát hiểm mà chỉ có duy nhất cửa chính

Phía sau được bịt kín

Điều đáng nói, đây cũng là nơi ở của gia đình chủ cơ sở này

Việc nấu nướng diễn ra ngay sát các vật liệu dễ cháy

Do không gian trong nhà nhỏ hẹp không đủ chỗ chứa nên phần lớn bao tải nhựa của cơ sở thu mua này được xếp ra ngoài ngõ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như an toàn giao thông
Để giải quyết thực trạng đã và đang diễn ra từ nhiều năm qua, các cấp chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời có những biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy đến với người dân…
Đặc biệt, đối với các cơ sở thu mua phế liệu phải sớm có quy hoạch di dời ra khỏi các khu dân cư theo quy định. Chỉ có như vậy mới hạn chế được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Tin Video