Tin tức

Tia sáng ngày cuối năm với cậu sinh viên mồ côi

(VOVTV) - Tết là dịp mọi người trong gia đình cùng nhau quây quần chào đón năm mới. Nhưng với chàng trai trẻ mồ côi Nguyễn Nguyễn Thành Nhân, trong bữa cơm tất niên chỉ có 2 bà cháu lặng lẽ tận hưởng những phút giây hạnh phúc. Một suất học bổng trước Tết giúp em không bị gián đoạn con đường học hành, mở ra tia sáng mới.

Tác giả Thanh Hiếu/VOV miền Trung
19/01/2023 15:34

Buổi chiều ngày cuối năm, phố Huế mưa phùn lất phất, Nguyễn Nguyễn Thành Nhân trở về nhà sau buổi làm thêm. Căn nhà nằm khuất sâu trong kiệt 239, đường Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Trong mái ấm nhỏ này, Nhân được bà ngoại hơn 90 tuổi đùm bọc đi qua từng ngày gian khó. Không khí Tết đã gõ cửa từng gia đình nhưng trong nhà của 2 bà cháu, mọi thứ vẫn bình thường như mọi ngày.

Tia sáng ngày cuối năm với cậu sinh viên mồ côi - Ảnh 1.

Vừa đi học, Nhân vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nhân không biết cha mình là ai, còn mẹ thì cũng rời xa Nhân vì căn bệnh ung thư quái ác. Ngày mẹ mất, Nhân vừa bước vào cấp 3, đã có ý định bỏ học do gia cảnh nghèo khó. Được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, Nhân cố gắng bước tiếp con đường học hành. 12 năm liền, Nhân là học sinh giỏi và đoạt được nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của Nhân, em Nguyễn Thị Cẩm Tiên, ở phường Thuận Lộc, thành phố Huế, một người bạn của Nhân thường tìm cách chia sẻ, giúp đỡ.

"Mẹ bạn Nhân mất sớm khi bạn đó mới học lớp 10. Nhà nghèo nhưng ý chí của bạn rất vững vàng, rất siêng năng vừa đi học vừa đi làm thêm, không ngại việc gì. Nhưng mà bạn ấy ít tâm sự với ai về hoàn cảnh mình, 1 mình nhẫn nhịn, 1 mình vượt qua. Em thì không giúp được gì nhiều cho gia đình bạn, gần Tết có mấy quán cà phê với mấy cửa hàng tuyển nhân viên làm việc bán thời gian mà trả lương cao là em hay giới thiệu bạn tới đó làm, kiếm thêm thu nhập để sắm sửa trong Tết”, Cẩm Tiên chia sẻ.

Nguyễn Nguyễn Thành Nhân đỗ vào ngành Dược học, Trường Đại học Y dược Huế đúng với mong mỏi của người mẹ khi còn sống. Thế nhưng, con đường vào cổng trường đại học của Nhân gặp phải rào cản lớn khi số tiền đóng học phí lên tới 13 triệu đồng. Nhân chạy đôn chạy đáo đi làm thêm trong dịp hè cũng chỉ tích góp được 5 triệu đồng. Không biết kiếm đâu cho đủ 13 triệu đồng đóng học phí, Nhân quyết định từ bỏ con đường đại học và giấu kín chuyện này. Sợ bà ngoại biết chuyện mình bỏ học, buồn phiền nên hàng ngày, Thành Nhân vẫn xách cặp giả vờ đi học. Rời khỏi nhà, điểm đến của Nhân không phải là giảng đường mà lang thang ngoài công viên hay góc xó nào đó, đợi đến gần tối đi dạy thêm kiếm tiền.

“Tới ngày nhập học thì em lên trường xin nộp học phí trễ nhưng lại không được. Hàng ngày em chạy xe ra ngoài công viên hoặc tới đâu đó ngồi để bà ngoại không biết rằng em vẫn chưa được đi học. Giả vờ đi học vậy rồi buổi tối em đi dạy thêm”, Nguyễn Nguyễn Thành Nhân trải lòng.

Tia sáng ngày cuối năm với cậu sinh viên mồ côi - Ảnh 2.

Nhân được bà ngoại hơn 90 tuổi đùm bọc đi qua từng ngày gian khó.

Ban ngày, Nhân xin làm chân phục vụ ở một quán cà phê hoặc bưng bê dọn dẹp cho một quán nhậu, rồi đến tối đi dạy kèm. Không ai biết chuyện Nhân từ bỏ ước mơ đại học vì không có tiền nộp học phí. Cho đến khi bà Hoàng Thị Kim Khẩn, người hàng xóm của Nhân bắt gặp em trong lúc bà mưu sinh. Bà Khẩn thấy Nhân lang thang ở công viên vào thời điểm lẽ ra em đang ở giảng đường. Khi biết chuyện Nhân nghỉ học, bà Khẩn đã giúp em làm hồ sơ xin học bổng “Tiếp sức đến trường”.

Trong hồ sơ gửi xin học bổng, bà Khẩn kể rõ hoàn cảnh rất nghèo khó của Nguyễn Nguyễn Thành Nhân và những thành tích mà em đạt được. Bà Hoàng Thị Kim Khẩn tâm sự, khi chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" biết câu chuyện này đã quyết định hành động ngay, kịp thời tiếp sức cho Thành Nhân trở thành sinh viên ngành Dược, Trường Đại học Y dược Huế.

“Nhân đậu Đại học Y Khoa nhưng có lúc em định nghỉ học rồi. Em học rất giỏi nên tôi quyết tâm giúp em kết nối với học bổng, viết đơn giúp em vào phường xác nhận hoàn cảnh để tạo điều kiện cho em nhận được học bổng. Tương lai của các em là các thế hệ trẻ có tri thức, khi ra xã hội rất là tốt từ con người cho đến nhân cách đạo đức, có tri thức mới thành công được”, bà Khẩn tâm sự.

Ngày nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường”, Nhân bật khóc. Việc đầu tiên là em chạy đi tìm bà Khẩn nói lời cảm ơn người hàng xóm tốt bụng. 2 bà cháu nắm chặt tay nhau rưng rưng nước mắt. Sau khi nhận tiền hỗ trợ học bổng thì nhà trường cũng đã khai giảng năm học mới. Nhưng rồi, may mắn cũng đến với em. Đó là việc Trường Đại học Y dược Huế đã tạo điều kiện giúp Nhân vào giảng đường, được nhập học muộn và sắp xếp lịch học bù.

Tia sáng ngày cuối năm với cậu sinh viên mồ côi - Ảnh 3.

Một suất học bổng trước Tết giúp Nhân không bị gián đoạn con đường học hành, mở ra tia sáng mới.

Vừa học, Nhân vừa tiếp tục đi làm gia sư buổi tối để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Những ngày cuối năm, Nhân thường về nhà sớm, tranh thủ phụ giúp bà ngoại cơm nước, mua sắm vài thứ cho 2 bà cháu có một cái Tết ấm áp. Cụ Phan Thị Xin, bà ngoại của Nhân Tết này đã ngoài tuổi 90 nhưng lúc nào cũng dõi theo, vui buồn cùng bước chân của đứa cháu mình.

“Nó giấu, bà đâu có biết, xong rồi nghe thi cử rồi đậu rồi bà mừng, mừng thì mừng nhưng lo quá. Bà hỏi học ngành gì, nó bảo học ra làm bác sĩ, cả xóm ai cũng khen, không ngờ cháu nó học giỏi. Đêm nào nó cũng về khuya nên bà mắng nó, học ban ngày mà tối đến mới về, chị gái nó bảo nó học xong đi làm thêm, bà đừng la nó tội nghiệp”, cụ Phan Thị Xin chia sẻ.

Ngày giáp Tết, Nhân được nhận tiền công làm thêm. Nhân vội chạy ra chợ mua về nhiều thứ chuẩn bị mâm cúng tất niên thật tươm tất đặt lên bàn thờ mẹ, báo hiếu với mẹ. Những người hàng xóm tốt bụng cũng thường xuyên ghé qua nhà xem 2 bà cháu ăn Tết thế nào. Người này cho bà cháu Nhân vài cân gạo, hộp mứt tết; người kia tặng ít bánh chưng, cân thịt.

Tia sáng ngày cuối năm với cậu sinh viên mồ côi - Ảnh 4.

Bà Hoàng Thị Kim Khẩn kịp thời giúp Nguyễn Thành Nhân xin được học bổng, trở thành sinh viên Trường Đại học Y dược Huế.

Xung quanh hàng xóm luôn khuyên bảo Nhân cố gắng học hành nên người.

Đã 3 mùa xuân trôi qua, Nguyễn Nguyễn Thành Nhân thiếu vắng hơi ấm tình thương của mẹ. Những người thân, họ hàng của Nhân cũng không nhiều, mỗi người một hoàn cảnh khó khăn nên không thể giúp được gì cho Nhân.

Tình thương của Ngoại, lòng tốt của bà con hàng xóm, thầy cô, bạn bè và sự sẻ chia của các nhà hảo tâm đã mở ra tia sáng, chắp cánh ước mơ cho Nguyễn Nguyễn Thành Nhân trong mùa xuân mới./.

Ý kiến của bạn