Tia hy vọng của Jack Ma sau hàng loạt bê bối
Các mảng kinh doanh bán lẻ và tài chính của Alibaba đã làm đảo lộn ngành công nghiệp toàn cầu. Với lợi thế dữ liệu lớn, công ty này có thể làm điều tương tự với ngành hậu cần.
Theo Nikkei Asian Review, Cainiao Smart Logistics Network - công ty hậu cần thuộc Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma - mới báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lớn nhất trong số các mảng kinh doanh của tập đoàn.
Hướng đi của Cainiao không giống những đối thủ cạnh tranh khác tại Trung Quốc. Hồi tháng 12/2020, công ty công bố một gói thầu trị giá 500 triệu NDT (tương đương 76,8 triệu USD) cho các đối tác, bao gồm nhận hàng, thông quan, vận tải đường bộ, kho bãi, vận chuyển quốc tế và giao hàng chặng cuối trên toàn cầu.
Theo giáo sư Mark Greeven tại Trường Kinh doanh IMD (Lausanne, Thụy Sĩ), thông qua kêu gọi các đối tác nước ngoài, Cainiao muốn mở rộng mạng lưới hậu cần ra toàn thế giới. Thay vì chi tiền mua xe tải, cơ sở dữ liệu hay nhiên liệu, Cainiao tận dụng dữ liệu để sắp xếp việc giao hàng theo cách chưa từng có.
Lợi thế dữ liệu
Từ một dịch vụ "đốt tiền" với mục đích hỗ trợ cho các hoạt động thương mại của Alibaba, Cainiao đang tìm cách trở thành một đơn vị kinh doanh sinh lời thực thụ. Hồi tháng 2, bà Maggie Wu - Giám đốc tài chính của Alibaba - tiết lộ Cainiao đã tạo ra dòng tiền hoạt động dương trong quý IV/2020. Trong ba quý cuối năm ngoái, đơn vị này đạt doanh thu 27,3 tỷ NDT, tăng 58% so với một năm trước đó.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Alibaba đang gặp rắc rối với mảng kinh doanh bán lẻ và tài chính. Nhà chức trách Trung Quốc đã khám xét trụ sở Alibaba tại thành phố Hàng Châu để phục vụ cuộc điều tra chống độc quyền. Báo chí phương Tây cũng đưa tin Alibaba có thể phải nộp khoản phạt kỷ lục, lên đến gần 1 tỷ USD.
Startup tài chính Ant Group - công ty chị em của Alibaba - phải đình chỉ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Thượng Hải và Hong Kong.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chính quyền nước này cần giải quyết nhiều vấn đề đang tồn tại để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của "nền kinh tế nền tảng". Tuyên bố được cho là nhắm vào các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, điển hình là Alibaba.
Tương tự mảng kinh doanh bán lẻ và tài chính trực tuyến, công ty hậu cần của Alibaba cũng tạo lợi thế nhờ cơ sở dữ liệu. Thay vì xây dựng nhà kho ở các quốc gia khác, Cainiao sử dụng phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin cho 3.000 đối tác trên khắp thế giới.
Mục tiêu mà công ty nhắm đến là một mạng lưới dễ dàng truy cập với phạm vi toàn cầu, có thể vận chuyển một gói hàng đến bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới trong vòng 72 giờ và 24 giờ đối với phạm vi Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc vốn đã quen với sự nhanh chóng ở mọi dịch vụ. Do đó, độ chính xác cao trong hậu cần mà Cainiao mang đến đóng vai trò quan trọng.
Công ty thực hiện hàng loạt đổi mới, từ nền tảng nhãn vận chuyển điện tử được tiêu chuẩn hóa đến công cụ lập kế hoạch tài nguyên doanh nghiệp dựa trên đám mây cho khách hàng. Mô hình này rất hiệu quả ở Trung Quốc, một phần do Cainiao tận dụng hiệu ứng mạng lưới nhiều hơn những công ty hậu cần khác.
"Phá vỡ" ngành công nghiệp hậu cần toàn cầu
Theo Nikkei Asian Review, hiệu quả sẽ được cải thiện khi nhiều đối tác tham gia vào mạng lưới. Tất cả dữ liệu về giao dịch trong hệ sinh thái hậu cần đều được thu thập, trao đổi, phân tích và sử dụng để đưa ra các quyết định liên quan đến dự trữ hàng hóa, tối ưu hóa những tuyến đường nhận và giao hàng, các dịch vụ mới cho người bán, khách hàng và đối tác hậu cần.
Các công ty vận tải và dịch vụ hậu cần khác thường có nền tảng riêng. Riêng Cainiao sở hữu thế mạnh về phân tích dữ liệu thông qua một mạng lưới hậu cần đầy đủ. "Về cơ bản, Cainiao là một hệ sinh thái kỹ thuật số theo hướng dữ liệu được đưa vào chuỗi giá trị hậu cần, chứ không phải một công ty hậu cần", giáo sư Mark Greeven nhận xét.
Nền tảng giao hàng Cainiao Guoguo hiện có hơn 100 triệu người dùng. Sau khi nhập thông tin chi tiết về lô hàng trên ứng dụng Guoguo, người tiêu dùng có thể sắp xếp việc nhận hàng và theo dõi đơn hàng.
Để đẩy nhanh việc giao hàng chặng cuối, công ty đã xây dựng mối quan hệ đối tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trường học và cửa hàng tạp hóa. Những cơ sở này sẵn sàng trở thành trạm nhận và trả hàng. Tính đến cuối năm 2020, công ty đã thành lập hơn 80.000 trạm Cainiao Post.
Tại các nước khác, Cainiao đã xây dựng một mạng lưới trên 33 quốc gia với những trung tâm khu vực ở Hàng Châu (Trung Quốc), Hong Kong, Kuala Lumpur, Pattaya (Thái Lan), Bỉ, Nga và Dubai. Mạng lưới tạo ra mô hình trục bánh xe và nan hoa (hub-and-spoke) và nâng cao hiệu quả cho việc giao hàng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Cainiao có thể gặp trở ngại nếu bị các đối thủ và chính phủ nước ngoài chú ý. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã điều tra Alibaba về kế toán và tập trung vào Cainiao.
Ngoài ra, thế mạnh của Cainiao cũng có thể bay hơi khi các quốc gia khác tăng cường kiểm soát về vấn đề lưu trữ và chuyển dữ liệu. "Tuy nhiên, những trở ngại trên chỉ có thể làm chậm tốc độ phát triển của Cainiao, chứ không thể khiến công ty trật bánh", giáo sư Mark Greeven bình luận.
Theo ông, vai trò của Cainiao trong hệ sinh thái bán lẻ và thương mại điện tử của Alibaba mang lại cho công ty lợi thế về dữ liệu lớn. Lợi thế này có thể "phá vỡ" ngành công nghiệp hậu cần trên toàn thế giới.
"Thực tế là công ty đang bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Điều đó nhấn mạnh tác động tiềm tàng của Cainiao đối với hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu", ông Greeven nói thêm.
Tin nổi bật
Tin Video