Thuyền rồng sông Hương hết hạn hoạt động, chủ phương tiện lo lắng
(VOVTV) - Đến năm 2023, gần 40 thuyền hết hạn và năm 2025, 100% thuyền rồng đến niên hạn phải chấm dứt hoạt động trên sông Hương.
Du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương luôn hấp dẫn du khách khi đến với cố đô Huế. Hiện nay, trên sông Hương có khoảng 140 thuyền rồng hoạt động vận tải hành khách, 10 thuyền buộc phải dừng hoạt động từ năm 2022. Đến năm 2023, gần 40 thuyền hết hạn và năm 2025, 100% thuyền rồng đến niên hạn phải chấm dứt hoạt động trên sông Hương. Các chủ phương tiện thuyền rồng đang mong muốn cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể để những hộ dân có nhu cầu đóng thuyền mới chủ động tìm kế mưu sinh.
Thuyền rồng du lịch trên sông Hương ra đời khi du lịch Thừa Thiên Huế phát triển mạnh gắn với nhu cầu nghe ca Huế trên sông. Gần 30 năm trước, từ một vài chiếc thuyền, người dân vạn đò sống bằng nghề đánh cá hay khai thác cát trên sông Hương đã chuyển đổi nghề, đầu tư mua sắm những chiếc thuyền vỏ nhôm, gắn thêm đầu rồng chở khách du lịch. Từ đó, hình thành đội thuyền rồng đưa khách dạo chơi trên sông Hương.
Ông Trần Trân, một chủ thuyền rồng du lịch cho biết: “Hết hạn theo Nghị định chúng tôi vẫn chấp nhận nhưng mong muốn chính quyền tạo tạo điều kiện cho người dân. Mới vừa rồi, dịp lễ 30/4, hành khách du lịch đến đây, thậm chí đợi gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa đủ thuyền do vừa rồi 10 chiếc thuyền hết hạn phải nghỉ hoạt động. Tôi cũng mong muốn cơ quan, ban ngành tạo điều kiện cho người dân, ví dụ, thuyền hư, đóng lại, sửa chữa, để cho người dân hoạt động tiếp ngành nghề du lịch".
Theo Nghị định của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa, thuyền chỉ được sử dụng không quá 30 năm. Đến nay, trên sông Hương có 10 thuyền rồng đã dừng hoạt động và đến năm 2025 hầu hết phương tiện thuyền du lịch trên sông Hương đều hết hạn sử dụng.
Anh Nguyễn Chương, một chủ thuyền lo lắng khi các hộ dân ở đây cả đời gắn bó với nghiệp sông nước, chiếc thuyền là phương tiện chính cho việc mưu sinh. Bà con sẽ chấp hành các quy định về an toàn đối với các phương tiện hoạt động trên sông nước. Theo anh, các ngành chức năngvà chính quyền địa phương cần hướng dẫn cụ thể cho các hộ dân có nhu cầu đóng thuyền mới hoặc chuyển đổi sang nghề khác: "Hiện tại còn hè sang năm nữa là hết hạn. Nguyện vọng của riêng cá nhân tôi là rất mong sự hỗ trợ của các cấp chính quyền ở trên, tạo điều kiện để nâng cấp lại làm mới hoặc sao đó. Theo quyết định ở trên làm như thế nào thì bên tôi sẽ làm như thế”.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện chưa có cơ sở đóng tàu thuyền chở khách du lịch đủ tiêu chuẩn nên khó khăn cho các chủ phương tiện muốn đóng mới tàu thuyền tại chỗ. Mặt khác, để có bản vẽ về chiếc thuyền chở khách du lịch trên sông Hương đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ phải mất nhiều thời gian và chi phí, các hộ cá thể khó có điều kiện thực hiện. Năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do Công ty TNHH Ngôi nhà Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh thiết kế với một kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, mẫu thuyền mới chỉ là kiểu dáng, không phải là bản vẽ thiết kế kỹ thuật nên gặp nhiều trở ngại khi đóng mới.
Ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, điều quan trọng nhất đối với hoạt động chở khách du lịch là phải đảm bảo an toàn. Hoạt động du lịch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan sức khỏe, tính mạng của du khách, phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Ông Sơn cho rằng, chủ phương tiện muốn đóng mới tàu thuyền phải có hợp đồng với các xưởng đóng tàu đủ điều kiện dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm: "Riêng bên Đăng kiểm chúng tôi chỉ hướng dẫn về kỹ thuật, về cách thức tuyên truyền văn bản vi phạm pháp luật cho người dân hiểu được để họ thực hiện theo đúng quy định thì chúng tôi mới kiểm tra chứng nhận. Bây giờ không có chỗ đóng thì tỉnh phải kêu gọi thế nào, khuyến khích ra làm sao. Ở đây có sông nước, có hoạt động du lịch, cần một chỗ để đóng phương tiện theo quy định này thì có ông nào ra đầu tư, kêu gọi vào. Hiện đây có 4 cơ sở nhưng chưa có cơ sở nào đủ điều kiện để đóng mới phương tiện”.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất sẽ thiết kế một mẫu thuyền mới, giao Sở Du lịch phối hợp Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, thực hiện các quy trình. Mẫu thuyền mới phải đáp ứng các tiêu chí về mẫu mã và kỹ thuật; phù hợp với việc khai thác dịch vụ ca Huế và dịch vụ du lịch trên sông Hương. Hiện tại, 2 cơ quan này đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chia sẻ những khó khăn của các chủ phương tiện chở khách du lịch, các sở, ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp hỗ trợ bà con trong quá trình chuyển đổi này: “Chúng tôi rất chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của bà con. Theo luật Giao thông đường thủy, những tàu thuyền nào đạt đến thời hạn sử dụng thì không thể tiếp tục sử dụng được nữa, để đảm bảo an toàn chung cho du khách. Sắp tới, về phía chính quyền địa phương, nhất là phía Thành phố Huế, cùng với Sở Giao thông vận tải và Sở du lịch cũng sẵn sàng tham gia để có một đề án hỗ trợ cho chủ thuyền rồng hiện nay, đầu tư làm lại thuyền mới theo hình thức phù hợp”./.