Tin tức

Thượng viện Australia thông qua dự thảo Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức

(VOVTV) - Tối 24/2, Thượng viện Australia vừa thông qua Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức nhằm yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia. Dự kiến, ngày mai, dự luật này sẽ được đưa lại Hạ viện xem xét và có thể sớm thông qua.

Tác giả Việt Nga / VOV Australia
24/02/2021 20:58

Australia đang tiến gần hơn tới việc thông qua dự thảo Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức khi dự luật này vừa được Thượng viện thông qua vào tối 24/2. 

Mặc dù trước đó dự luật cũng đã được Hạ viện thông qua song lại được sửa đổi trong quá trình Thượng viện xem xét. Vì vậy, theo dự kiến, ngày mai, dự luật này sẽ được đưa trở lại Hạ viện để xem xét và nhiều khả năng sẽ sớm được Hạ viện thông qua.

Nếu được Quốc hội thông qua và trở thành luật, Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức sẽ tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí có doanh thu từ 150 nghìn AUD trở lên có thể yêu cầu nền tảng công nghệ chia sẻ tin tức của mình trả tiền cho việc này.

Thượng viện Australia thông qua dự thảo Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức - Ảnh 1.

Facebook đang ráo riết đàm phán với các cơ quan báo chí Australia để không bị chỉ định đàm phán. Nguồn ABC

Bộ quy tắc này cũng trao quyền cho Bộ trưởng Ngân khố Australia là người có trách nhiệm chỉ định nền tảng công nghệ nào cần phải tiến hành đàm phán với các cơ quan báo chí Australia về mức chi trả. 

Nếu các công ty công nghệ đã có thỏa thuận trước đó với các cơ quan báo chí thì nhiều khả năng sẽ không trở thành đối tượng của Bộ quy tắc này. Chính vì vậy mà trong những ngày qua, Google và Facebook đang ráo riết đàm phán với các cơ quan báo chí Australia nhằm đạt được thỏa thuận riêng để tránh trở thành cơ quan bị chỉ định phải đàm phán với các cơ quan báo chí Australia. 

Bởi nếu việc đàm phán trong 3 tháng không thành công, hai bên sẽ bước vào giai đoạn hòa giải trong 2 tháng. Và nếu hòa giải cũng không thành công thì vụ việc sẽ được đưa ra cơ quan trọng tài và quyết định của cơ quan trọng tài là cuối cùng và ràng buộc với các bên. 

Vì không muốn bị trói buộc trong một phán quyết của trọng tài nên cả Google và Facebook đều đang nỗ lực để giành được thế chủ động thông qua việc thu xếp thỏa thuận với các cơ quan báo chí.

Ý kiến của bạn