Tin tức

Thương mại, vận tải trong nước đang dần khôi phục trở lại

(VOVTV) - Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý IV/2021, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại.

02/01/2022 19:01

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021, tăng 28,1% so với quý trước; vận tải hành khách tăng 48,4%, luân chuyển hành khách tăng 51,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 31,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%; khách quốc tế đến nước ta tăng 62,7%.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 ước đạt 1.312,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với quý trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).

Thương mại, vận tải trong nước đang dần khôi phục trở lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vận tải hành khách quý IV/2021, ước tính đạt 367,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 59,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.387,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 33% so với năm trước.

Cùng với đó, vận tải hàng hóa quý IV/2021 ước đạt 420,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, vận tải hàng hóa ước đạt 1.620,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 8,7% so với năm trước.

Doanh thu hoạt động viễn thông quý IV/2021 ước đạt 82,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2,4%). Tính chung năm 2021, doanh thu đạt 314,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,3%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 12/2021, ước đạt 17,2 nghìn lượt người, tăng 14,2% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2021 đạt 42,7 nghìn lượt người, tăng 62,7% so với quý III/2021 và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước.

Để thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; đồng thời, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường….

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm đặc biệt là hàng nông đặc sản của người tiêu dùng trong dịp Tết cổ truyền là rất lớn.

Tại hầu hết các địa phương, nông dân đã chủ động trong sản xuất, chế biến hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn và tình trạng ùn ứ số lượng lớn hàng hóa, nông thủy sản tại các cửa khẩu với thị trường Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm.

Thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất…

Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để việc tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.

Ý kiến của bạn