Quốc tế

Thực hư vụ rò rỉ băng ghi âm bí mật quân sự gây chấn động quan hệ Nga - phương Tây

(VOVTV) - Trong lúc tính xác thực của đoạn băng đang được điều tra làm rõ thì các bên đang liên tục cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau. Một số quan chức Đức cảnh báo không nên “rơi vào bẫy chiến tranh thông tin của Nga”, còn phía Nga đã yêu cầu giải thích đồng thời cáo buộc phương Tây đang dự định tấn công Nga.

Tác giả Anh Tuấn/VOV Paris
06/03/2024 13:08

Những ngày qua, vụ rò rỉ băng ghi âm của giới chức quân sự Đức đang là tâm điểm dư luận tại châu Âu. Trong lúc tính xác thực của đoạn băng đang được điều tra làm rõ thì các bên đang liên tục cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau. Một số quan chức Đức cảnh báo không nên “rơi vào bẫy chiến tranh thông tin của Nga”, còn phía Nga đã yêu cầu giải thích đồng thời cáo buộc phương Tây đang dự định tấn công Nga. Thực hư câu chuyện này ra sao? Liệu sự cố này sẽ tác động ra sao trong bối cảnh các cuộc tranh luận về việc viện trợ cho Ucraina đang nóng lên ở châu Âu với nhiều quan điểm khác biệt. 

Thực hư vụ rò rỉ băng ghi âm bí mật quân sự gây chấn động quan hệ Nga - phương Tây- Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang bị rơi vào thế khó trong mối quan hệ với 2 đồng minh khu vực là Anh và Pháp. Ảnh: Radio France

Theo PV VOV tại Paris, ngay từ khi vụ rò rỉ ghi âm được phát tán trên mạng vào thứ 6 tuần trước, phía Đức đã tuyên bố mở cuộc điều tra để làm rõ sự việc. Sau đó một ngày, Bộ Quốc phòng Đức đã phần nào xác nhận cuộc trò chuyện bí mật của lực lượng không quân đã bị nghe lén một cách « trái phép ». Đồng thời, Bộ trưởng Boris Pistorius cáo buộc phía Nga đang tìm cách gây bất ổn cho nước Đức. Và trong cuộc họp báo vào thứ Ba (5/3) tuần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố kết quả đầu tiên của cuộc điều tra cho thấy hệ thống thông tin liên lạc của quân đội Đức « chưa và không bị xâm phạm”.

Ông Boris Pistorius giải thích vụ rò rỉ thông tin này bắt nguồn từ việc có một thành viên quân đội đã tham gia hội thoại trực tuyến từ Singapore thông qua một « kết nối mở » trái phép. Sĩ quan này đã tham gia hội nghị từ một nền tảng công cộng do Mỹ sản xuất có tên là WebEx. Điều này đã tạo điều kiện cho phía Nga nắm bắt được thông tin. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự việc này chỉ là một sự tình cờ cùng với nhiều yếu tố may mắn và là một lỗi lớn không đáng có.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã lên tiếng đính chính vụ việc nhưng các đồng minh của Đức hiện tại vẫn tỏ ra khá hoang mang. Các chuyên gia nhận định vấn đề không nằm ở việc hệ thống bảo mật của Đức có tốt hay không, mà đây là vấn đề con người. Theo ông Hans Stark, cố vấn về quan hệ Pháp-Đức tại Viện Quan hệ Quốc tế IFRI, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng vì nó phản ánh sự « liều lĩnh hoàn toàn không thể tin được của các sĩ quan Đức » khi sử dụng nền tảng WebEx cho hội nghị quân sự. WebEx chỉ là một nền tảng công cộng và dễ dàng bị xâm nhập. Nền tảng này không hề phù hợp để trao đổi thông tin bí mật. Việc sử dụng nó trong bối cảnh các công nghệ nghe lén đang phát triển là minh chứng cho sự « nghiệp dư ».

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng vụ việc rò rỉ thông tin sẽ khiến các đồng minh của Đức như Anh, Pháp hay Mỹ sẽ ít nhiều « hạ thấp » lòng tin đối với các sĩ quan quân đội Đức. Vụ việc này cũng đẩy Đức vào một vị trí nhạy cảm khi Thủ tướng nước này, ông Olaf Scholz vẫn kiên quyết từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraina trong khi các sĩ quan của ông lại thảo luận về một khả năng sử dụng vũ khí này trong cuộc xung đột Nga – Ukraina.

Cho dù kết quả của cuộc điều tra có như thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất thời điểm hiện tại đối với Đức, đó là làm thế nào để « lấy lại » lòng tin từ phía các đồng minh cũng như thống nhất được lập trường của mình trong công cuộc ủng hộ Ukraina.

Theo giới quan sát, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang bị rơi vào thế khó trong mối quan hệ với 2 đồng minh khu vực là Anh và Pháp. Bởi lâu nay, nước Đức dưới thời ông Olaf Scholz vẫn giữ quan điểm miễn cưỡng thậm chí phản đối khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ucraina, bất chấp sức ép từ các đồng minh. Trong tuyên bố mới nhất ngày 5/3 sau khi đoạn băng bị rò rỉ thì Thủ tướng Olaf Scholz vẫn khẳng định không thể thực hiện việc chuyển giao vũ khí này cho Ucraina. Tuy nhiên, những nội dung trong đoạn băng ghi âm - nếu được xác nhận, lại thể hiện điều ngược lại. Vì thế dư luận cho rằng, có lẽ tình thế đang buộc Đức phải làm rõ thái độ trong việc hỗ trợ cho Ucraina, nếu không sẽ làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong khối NATO về vấn đề này.  

Vụ rò rỉ thông tin đã đẩy Thủ tướng Olaf Scholz vào thế khó, không chỉ trong mối quan hệ với 2 đồng minh khu vực là Anh và Pháp mà còn với cả người dân Đức. Kể từ khi vụ việc xảy ra, Liên minh 3 Đảng cầm quyền liên tiếp vấp phải khó khăn lớn. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Olaf Scholz liên tục bị hạ uy tín trong các cuộc thăm dò. Các chuyên gia còn đưa ra dự đoán rằng Đảng này nhiều khả năng sẽ chỉ đạt được dưới 10% số người ủng hộ trong các cuộc bầu cử sắp tới. Đảng SPD sẽ buộc phải rời xa chính trường Đức. Kết quả này sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Olaf Scholz.

Ngoài ra, xét về khía cạnh ủng hộ Ukraina, thì lập trường hiện tại của ông Olaf Scholz, được các nhà nghiên cứu địa bàn đánh giá là ổn trọng. Bởi một khi Berlin chi viện cho Kiev loại tên lửa tầm xa Taurus với sức tiếp cận các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga khi phóng từ Ukraina, thì nhiều khả năng cuộc xung đột sẽ leo thang và có nguy cơ tiến triển thành một cuộc chiến tranh lục địa. Taurus có tầm bắn lên tới 500km, gấp đôi phạm vi mà tên lửa tầm xa Storm Shadow và Scalp (250km) của 2 đồng minh Anh và Pháp có thể chạm tới.

Hơn nữa, phía Ukraina vẫn chưa có khả năng điều khiển loại tên lửa này. Thế nên nếu phía Đức muốn hỗ trợ Ukraina, Berlin sẽ buộc phải cử các chuyên gia quân sự của mình tới Kiev. Như vậy, dù phía Đức không trực tiếp tham gia xung đột nhưng cũng đã có « người của mình » trên lãnh thổ Ukraina. Điều này trái ngược với tuyên bố sẽ không gửi quân tới Ukraina mà phía Đức vừa tuyên bố tuần trước, sau khi Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron để ngỏ khả năng có thể đưa quân đến Ukraina trong tương lai. Thế nên việc Berlin tiếp tục khẳng định lập trường không gửi tên lửa là điều cần thiết. Nhất là khi các thành viên NATO cũng đã tỏ rõ thái độ sẽ không gửi quân tới Kiev.

Ngoài ra, thái độ kiên định của Thủ tướng Đức cũng rất quan trọng trong việc nhất quán với chính sách mà Berlin dành cho Kiev trong thời gian vài năm trở lại đây. Các đồng minh của Đức sẽ có lòng tin nhiều hơn và đồng thời đập tan các lập luận suy diễn khác liên quan đến vụ rò rỉ thông tin lần này.

Tuy nhiên, ông Olaf Scholz cần một lần nữa khẳng định với các đồng minh và thế giới quyết tâm cũng như vạch rõ ranh giới của mình trong công cuộc ủng hộ Ukraina. Bởi nội dung của đoạn thông tin bị rò rỉ đang đẩy Đức vào một vị trí rất nhạy cảm và có thể thay đổi hoàn toàn các nỗ lực của phương Tây trong vài năm trở lại đây. 

Ý kiến của bạn