Tin tức

Thừa Thiên Huế hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Noru

(VOVTV) - Ngay trong ngày 25/9, nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động lực lượng giúp người dân ở vùng xung yếu di chuyển đến nơi an toàn tránh bão Noru.

Tác giả Lê Hiếu / VOV Miền Trung
26/09/2022 08:25

Sáng 25/9, chính quyền xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã cử lực lượng tuyên truyền, vận động người dân vùng xung yếu di chuyển đến các vị trí an toàn. Phương án di dời tại chỗ cũng được khuyến nghị khi bà con chủ động sơ tán đến nhà người thân ở vị trí cao, kiên cố để tránh bão. Đồng thời, vận động các hộ sống gần vùng đầm phá, khu vực sạt lở bờ biển di chuyển đến nơi an toàn.

Thừa Thiên Huế hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Noru - Ảnh 2.

Thừa Thiên Huế hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Noru - Ảnh 3.

Các lực lượng của xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vận động dân đảm bão an toàn khi bão đổ bộ

Ông Trần Hùng, tổ dân phố thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết, là địa bàn giáp biển, cả thôn có hơn 40 hộ cần được di dời. Người dân cũng trong tâm thế chủ động, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực cần thiết và sẵn sàng di dời khi có lệnh: “Công tác vận động di dời được bà con chấp hành khá tốt, đặc biệt, là công tác đảm bảo lương thực thực phẩm. Ban vận động thôn đề nghị, đảm bảo đủ số lương thực thực phẩm trong các ngày mưa bão xảy ra, để bà con khỏi thiếu lương thực trong những ngày mưa bão”.

Thừa Thiên Huế hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Noru - Ảnh 4.

Thừa Thiên Huế hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão Noru - Ảnh 5.

Bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại các xã ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin đường đi và công tác ứng phó bão Noru được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu không chủ quan trước mọi tình huống, mỗi khu vực dân cư ven biển tổ chức lực lượng xung kích hỗ trợ người dân chằng chống, bảo vệ nhà cửa và neo đậu tàu thuyền.

“Tổng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ là 53 chiếc. Hiện nay, đã vào tránh trú bão, neo đậu tại âu thuyền Phú Thuận, Phú Hải an toàn là 50 chiếc, còn 3 chiếc đang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, yêu cầu vào đất liền. Đến chiều 25/9, 3 thuyền này sẽ vào bờ an toàn. Các ghe bãi ngang đã yêu cầu cho lai dắt lên bờ an toàn và chúng tôi cũng đã triển khai phương án di dời dân đến nơi an toàn. Hiện tại, đang vận động cho 71 hộ, di dời cả sông, đầm, cả ven biển”, ông Tùy nói.

Tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão tại tỉnh Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Công Thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng phương án di dời hơn 26.250 hộ với trên 99.400 người để ứng phó với nước dâng do bão, lũ lụt.

Chiều 25/9, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trì cuộc họp nhanh với các sở, ngành, địa phương. Theo đó, từ ngày 26/9, tất cả các cuộc họp không cần thiết trong tỉnh sẽ tạm hoãn, đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần soát xét lại kịch bản di dời dân, chốt thời gian nhưng phải tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, nguy cơ cao; tính toán phương án đảm bảo an toàn và môi trường diện tích nuôi trồng thủy sản.

“Hồ đập đang ở mức thấp, mưa với cường độ này thì chúng ta còn dự trữ, hy vọng điều tiết được cho hạ du, và đảm bảo an toàn hồ đập. Về thông tin truyền thông thì để kích hoạt tin nhắn qua các hệ thống như Zalo, điện thoại, Huế S và cập nhật ngày mai bắt đầu đưa lên hệ thống, cảnh báo người dân biết và sẵn sàng chủ động ứng phó. Công tác cứu hộ cứu nạn thì các lực lượng tập trung như công an các khu vực ngập lụt thì phong tỏa, hạn chế đi lại ở các tuyến đường. Chuẩn bị lực lượng cứu hộ cứu nạn kể cả quân đội, kể cả biên phòng”, ông Lưu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn