Tin tức

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc cho UBQLVNN và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước

(VOVTV) - Thủ tướng yêu cầu kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; Tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
18/03/2023 12:21

Sáng nay 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã diễn ra với mục tiêu đưa ra những giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước góp phần thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện các Bộ ban ngành Trung ương, địa phương, đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc cho UBQLVNN và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước  - Ảnh 1.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sáng 18/3

Sau gần 5 năm thành lập, UBQLVNN đã đạt được những thành quả nhất định, như hình thành được cơ quan chuyên trách thực hiện đại diện quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty; làm đầu mối của Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương; chỉ đạo triển khai các dự án quan trọng của DN, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc UBQLVNN tại doanh nghiệp thực hiện được vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Sau khi chuyển về UBQLVNN, vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả SXKD của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty được duy trì, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời tham gia tốt công tác an sinh xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2021-2025, 19 Tập đoàn, Tổng công ty dự kiến thực hiện các dự án đầu tư phát triển với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, bằng khoảng 42% mức vốn kế hoạch trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nếu các dự án đầu tư của 19 Tập đoàn, Tổng công ty được thực hiện cùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 một cách hiệu quả, đúng kế hoạch, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh té xã hội đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, UBQLVNN tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty còn những hạn chế, vẫn chưa thể hiện tốt vị thế, vai trò của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình. 

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc cho UBQLVNN và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước  - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến góp ý, nói thẳng, nói thật, về các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, thảo luận làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới. 

Đặc biệt, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết, với mong muốn tìm ra một cách làm đột phá, vừa tập trung được nguồn lực nội tại, vừa huy động được sự tham gia của nhiều bên vào thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành mục tiêu đã đề ra, VNPT đã nghiên cứu tham khảo một số mô hình, hướng đi triển khai xây dựng Chính phủ số của các nước trên thế giới, đánh giá thực tiễn triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số tại Việt Nam và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép định hướng kế hoạch DNNN mạnh về công nghệ dẫn dắt thực sự các chương trình chuyển đổi số quốc gia; đề xuất tham gia trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể là trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số để giải quyết bài toán chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương. Trong đó, vận dụng Luật đấu thầu áp dụng một số tình huống đặc biệt cho các giải pháp này để giao (chỉ định) cho DNNN thực hiện đối với cả 2 trường hợp Nhà nước đầu tư hay doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước thuê dịch vụ. 

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc cho UBQLVNN và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước  - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chi rõ thực trạng và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế. Trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu UBQLVNN, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua và đổi mới hoạt động của UBQLVNN, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó để phát triển hơn nữa trong điều kiện khó khăn. 

Thủ tướng nhấn mạnh, UBQLVNN tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại Hội nghị này để đổi mới một cách thực chất, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy các doanh nghiệp trực thuộc phát triển tốt hơn nữa, thực hiện tốt trọng trách là nòng cốt, dẫn dắt tạo sự lan tỏa trong phát triển đất nước. Cùng với đó, căn cứ kế hoạch được phê duyệt, chủ động khắc phục các tồn tại, yếu kém; Quán triệt đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty.

Phát huy cao nhất vai trò của UBQLVNN trong việc thúc đầy hoạt động đầu tư của Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc. Tăng cường phối hợp với các cơ quan để sớm có ý kiến có chất lượng đối với đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm Đề án sớm được phê duyệt, không làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được phân công, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng được tốt hơn nhiệm vụ được giao; Nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đẩy mạnh vai trò tham mưu, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chuyên trách, UBQLVNN chịu trách nhiệm với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý đối với những dự án không hiệu quả, thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, góp phần vào phát triển KT-XH của đất nước. Chỉ đạo triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn, TCT nhà nước có hiệu quả sau khi được phê duyệt.

Đặc biệt, để phát huy nguồn lực to lớn của 19 doanh nghiệp thuộc UBQLVNN, Thủ tướng đề nghị nâng cao nhận thức về trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu DNNN về đẩy mạnh đầu tư; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật của tập đoàn, tổng công ty. Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty cần  đoàn kết, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng nhấn mạnh, người đứng đầu các Tập đoàn, Tổng công ty sớm nghiên cứu đề xuất giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp đi đầu của đất nước. Khuyến khích người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tiếp tục cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền trong việc đầu tư, thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, tạo tiền đề và động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, viễn thông, CNTT và chuyển đổi số.

Áp dụng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế; thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ có hiệu lực, hiệu quả; Cùng với đó nâng cao năng lực trong xây dựng và phê duyệt các dự án khả thi, hiệu quả và năng lực triển khai các dự án đã được phê duyệt, tránh việc kéo dài trong tổ chức triển khai, làm giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, hiệu quả của dự án.

Đối với các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng yêu cầu, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp;

Thực hiện vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quyền, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó có UBQLV, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Bộ KHĐT, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu đề xuất tăng cường hiệu lực, hiệu quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, chính sách đã được Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ./.


Ý kiến của bạn