Tin tức

Thủ tướng: Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, hài hòa với an toàn dịch bệnh

Thủ tướng đề nghị khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 10/2021.

02/10/2021 12:25

Sáng 2/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và các tháng còn lại của năm 2021; xem xét các đề án xây dựng pháp luật và một số vấn đề quan trọng khác.

Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, các Ủy ban của Quốc hội.

Tại Phiên họp này, Chính phủ đã nghe các nội dung về công tác phòng chống dịch COVID – 19 trực tuyến với các địa phương để thảo luận sâu về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới.

Thủ tướng: Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, hài hòa với an toàn dịch bệnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, thực hiện lộ trình chuyển hướng chiến lược sang: Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các địa phương lấy ý kiến tới các cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn để nghiên cứu, đóng góp, bổ sung để đề xuất các giải pháp xây dựng một Hướng dẫn phù hợp với điều kiện cụ thể thực tế hiện nay về phòng chống dịch.

Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo. Từ yêu cầu công tác phòng chống dịch, và phát triển kinh tế-xã hội, phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng: Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, hài hòa với an toàn dịch bệnh - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp.

“Các đồng chí căn cứ vào các quy định hiện hành tình hình cụ thể tại địa phương để mà xem xét việc mở cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là những nơi có vùng xanh thì các đồng chí phải mở ra nhưng mà kiểm soát làm sao cho tốt, để nhân dân được sản xuất, nhân dân được đi lại, còn ngoài vùng xanh thì lại phải có kiểm soát về y tế theo quy định. Cái này các đồng chí phải rất linh hoạt thực hiện các biện pháp y tế, chúng ta vẫn phải phòng là rất cơ bản là chiến lược và quyết định trong lúc mà mình chưa có độ bao phủ vaccine“ - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ, trong thực hiện tiêm chủng, phải có cách làm khoa học, phải có sự ưu tiên cho địa bàn, đối tượng, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Các biện pháp y tế thì phải dựa trên 3 trụ cột chính.

Thủ tướng nêu rõ:  “Các biện pháp y tế phải dựa trên 3 trụ cột: cách ly, xét nghiệm, điều trị chăm sóc. Đã cách ly thì phải hẹp nhất, nhưng mà phải chặt và ngặt nghèo và kiểm soát tốt cái này. Xét nghiệm là phải thần tốc, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Trụ cột thứ ba về điều trị thì phải phân loại chăm sóc, điều trị từ sớm, từ xa, từ ngay tại cơ sở, để cho người bị nhiễm không bị chuyển nặng, và không dẫn đến tử vong và từ 3 trụ cột như thế thì chúng ta cũng đưa ra được một công thức  5K + vaccine + thuốc + công nghệ, rồi ý thức của người dân. Các đồng chí nắm chắc lý luận này, những cái nền tảng và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhưng phải trên cơ sở các hướng dẫn chung để tránh gây ách tắc cục bộ, tránh cát cứ. Điều này cần phải rút kinh nghiệm rất nhiều“.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động ở các thành phố lớn sớm ổn định cuộc sống, không di chuyển ồ ạt. Trường hợp người dân, người lao động quyết tâm rời thành phố, các khu công nghiệp, các khu chế xuất về quê, các tỉnh thành phối hợp, thực hiện tốt các biện pháp y tế, tổ chức việc đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ác tắc; đi liền với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống ổn định của nhân dân.

Thủ tướng: Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, hài hòa với an toàn dịch bệnh - Ảnh 3.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến cấp huyện, thị xã

Về tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, GDP Quý III giảm 6,17%, kéo GDP 9 tháng năm 2021 đạt mức tăng 1,42% so với cùng kỳ. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Chỉ số CPI giảm 0,62% so với tháng 8/2021; 9 tháng tăng 1,82% so cùng kỳ.

Sản xuất khu vực nông nghiệp vẫn là điểm sáng, tăng trưởng dương, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 5% so với tháng trước; tính chung 9 tháng tăng 4,45%. Trên 70% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV. Vốn FDI đăng ký 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó số các dự án quy mô lớn tăng mạnh.

An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh. Đã có trên 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15.000 tỷ đồng; đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí khoảng 38.000 tỷ đồng. Xuất cấp 151.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vaccine.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn