Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi "nóng" tại Phiên Đối thoại chính sách
(VOVTV) - Chiều nay 25/9, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Lãnh đạo Bộ ngành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Lãnh đạo tỉnh thành Việt Nam và khách mời, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Phiên Đối thoại chính sách là bước cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023 - 2026 và là kết quả của mối quan hệ ngày một phát triển giữa Việt Nam và WEF. Đây cũng là dịp để cùng đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp đột phá tháo gỡ những nút thắt, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam.
Phiên đối thoại tập trung vào định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng công nghiệp 4.0, công nghệ cao và sinh thái; chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, bền vững; các chính sách, đặc thù và tiềm năng bứt phá của TP.HCM; chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực này.
Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, cảm ơn Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và các đối tác đã hỗ trợ chúng tổ chức Đối thoại chính sách; Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay; nhất là đối với quá trình “vươn lên, bắt kịp, tiến cùng, bứt phá” của Việt Nam... Đây là một trong những động lực rất quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả nước và TPHCM nói riêng.
KHCN và đổi mới sáng tạo là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia. Vì vậy, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của KHCN, Đổi mới sáng tạo.
Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ đã có những chiến lược, kế hoạch hay chính sách vĩ mô nào về vấn đề này và những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới để hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số là gì?
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, hệ thống chính trị Việt Nam do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý trong đó có Chính phủ và nhân dân làm chủ, Đảng đưa ra đường lối trong đó có Nghị quyết của Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia CMCN 4.0, nhiều Luật, văn bản pháp luật thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 52 đã được ban hành, trong đó có Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư tới năm 2030. Các bộ, ngành, đã chủ động, tích cực hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; xây dựng các công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số…
Chính phủ đã xác định nhiệm vụ để cụ thể hóa các chủ trương và nghị quyết của Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ này theo Thủ tướng Chính phủ phải nắm chắc tình hình trong nước và quốc tế có liên quan như thế nào đối với Việt Nam, và chúng ta hiểu mình thế nào.
Thủ tướng nói: "Để hiện thực hóa chủ trương chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 lần thứ tư, Chính phủ đã xác định tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn là xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ bao trùm, toàn diện; Đầu tư thích đáng về hạ tầng; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng muốn phát triển khoa học công nghệ, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia và khi phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phải phù hợp với điều kiện mỗi nước và phù hợp với thế giới.
Theo Thủ tướng phát triển khoa học công nghệ việc xây dựng thể chế là một vấn đề quan trọng. Thủ tướng cho biết, trong kỳ họp thứ 8 này sẽ thảo luận nhiều luật nhất từ trước đến nay với hơn 16 luật, ngoài ra còn xây dựng các nghị định, quyết định và xây dựng cơ chế chính xách để huy động nguồn lực và phát triển hạ tầng số, hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, y tế, văn hóa. Cùng với đó việc quản trị cũng phải phù hợp với quá trình chuyển đổi phát triển khoa học công nghệ; Bên cạnh đó phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình phát triển và phải huy động sự giúp đỡ chia sẻ của bạn bè quốc tế để giúp nước ta có bản lĩnh tự tin, có nhiều kinh nghiệm hơn."
Thủ tướng nhấn mạnh, việc chuyển đổi khoa học công nghệ này là sự lựa chọn khách quan, là sự lựa chọn tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển Việt Nam hiện nay.
Về câu hỏi để cuộc CMCN 4.0 mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào về KHCN để tạo ra những bước đột phá trong việc chuyển đổi?
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để tạo ra những bước đột phá trong chuyển đổi, phát triển khoa học công nghệ thì nền tảng quan trọng nhất là giáo dục đào tạo. Việt Nam đang chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo vì nếu phát triển khoa học công nghệ mà không thay đổi về giáo dục đào tạo thì không thể thực hiện quá trình này.
Theo Thủ tướng muốn KHCN phát triển thì phải cụ thể hóa chủ trương về khoa học công nghệ, phải hoàn thiện thể chế, luật hóa trong phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phải thực hiện giải pháp về cán bộ, theo đó, cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì quốc gia dân tộc.
Các sản phẩm khoa học công nghệ muốn có giá trị phải được trao đổi, chia sẻ đáp ứng nhu cầu thì trường, phải tạo ra một thị trường công nghệ cạnh tranh theo cơ chế thì trường, đây chính là huy động nguồn lực. Ngoài ra phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Cùng với đó Thủ tướng đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, nhiều thành phố trên thế giới tới đặt mục tiêu đạt Net-Zero trước năm 2030 và lộ trình thực hiện; Cần phải làm gì để duy trì và nâng cao vị thế của TP. HCM cần những chính sách hỗ trợ đặc thù hơn nữa. Những chính sách nào cần được ưu tiên để hỗ trợ TP HCM trở thành một trung tâm sản xuất thông minh, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế…./.
Tin nổi bật
Tin Video