Thủ tướng tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp và Đại sứ Brunei tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp Nicolas Warnery trước khi Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và bà Datin Paduka Malai Hajah Halimah Malai Haji Yussof, tân Đại sứ Brunei tại Việt Nam.
Chiều 6/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp Nicolas Warnery trước khi Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Thủ tướng chúc mừng Đại sứ đã có nhiệm kỳ công tác thành công tốt đẹp tại Việt Nam, đóng góp tích cực cho việc củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Trong nhiệm kỳ của Ngài Đại sứ, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp không ngừng được phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Trong số các nước EU, Pháp đứng thứ 2 về đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3,57 tỷ USD; đứng thứ 4 về trao đổi thương mại; đứng đầu về viện trợ ODA cho Việt Nam với tổng số vay ưu đãi đạt 3 tỷ euro. Kim ngạch thương mại song phương đạt 5,3 tỷ USD năm 2022, tăng 10% so với năm 2021.
Thủ tướng cảm ơn phía Pháp đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ quý báu trong phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là 5,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng khẳng định trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của mình, Việt Nam luôn coi Pháp là một trong những đối tác ưu tiên trên cơ sở chân thành, tin cậy, luôn đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Pháp trên trường quốc tế và sự hợp tác hai nước tại các diễn đàn đa phương quan trọng; cũng như ủng hộ tích cực các sáng kiến, ý tưởng của Pháp nhằm góp phần duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm Pháp năm 2021, Thủ tướng cho rằng “mối lương duyên” Việt Nam – Pháp có thăng trầm nhưng ngày càng có đột phá nhiều hơn trong những năm gần đây và còn dư địa rất lớn để tiếp tục thúc đẩy hợp tác.
Để tăng cường quan hệ hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục thúc đẩy các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao. Nhân dịp này, qua ngài Đại sứ, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi đến Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne, mong được đón Thủ tướng Elisabeth Borne thăm Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả để tận dụng các cơ hội to lớn của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA); đề nghị Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tối ưu hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư. Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề vướng mắc để đưa đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đi vào hoạt động.
Thủ tướng đề nghị Pháp nỗ lực ủng hộ, thúc đẩy Uỷ ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng IUU của EC đối với hàng thủy hải sản Việt Nam; tiếp tục quan tâm, cam kết vốn ODA, vốn vay ưu đãi để hỗ trợ Việt Nam và hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong sản xuất các thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân lực, bảo tồn, trùng tu và phát huy các di sản kiến trúc tại Việt Nam.
Thủ tướng cảm ơn và mong chính quyền Pháp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Pháp (là cộng đồng người Việt lớn nhất ở châu Âu với 300.000 người) ổn định và phát triển cuộc sống, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh đóng góp vào nền kinh tế sở tại, là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng tin tưởng rằng dù trên bất cứ cương vị nào, Đại sứ sẽ tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, luôn là người bạn thân thiết của Việt Nam và là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp.
Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định lãnh đạo cấp cao của Pháp muốn tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam, đánh giá Việt Nam có vai trò quan trọng tại ASEAN và trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp. Ông cho rằng Việt Nam luôn nhất quán trong chính sách đối ngoại và hai bên có sự tin tưởng chính trị rất cao. Đại sứ cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, nhất là sự bền bỉ và khả năng chống chịu, vượt qua thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đại sứ Pháp cho rằng chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với nhiều kết quả quan trọng đã một lần nữa khẳng định sự coi trọng của cả hai bên với quan hệ song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có những chỉ đạo trong việc thúc đẩy các vấn đề hợp tác rất cụ thể giữa hai nước như dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong đó có công dân Pháp…
Nhất trí cao với những nội dung, định hướng hợp tác mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến, Đại sứ cho biết sẽ báo cáo và trao đổi với các cơ quan chức năng của Pháp để tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là chính trị, thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo tồn các di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội như cầu Long Biên, chuyển đổi số…
Đánh giá cao nỗ lực và các giải pháp tổng thể của Việt Nam để thực hiện mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, gần đây nhất là việc ban hành Quy hoạch điện VIII, Đại sứ cho biết Pháp sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong quá trình triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Tại buổi tiếp, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, các giải pháp tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu trên đề cao đoàn kết, hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Phía Pháp ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp bà Datin Paduka Malai Hajah Halimah Malai Haji Yussof, tân Đại sứ Brunei tại Việt Nam.
Thủ tướng chúc mừng tân Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Brunei Darussalam tại Việt Nam; khẳng định Phía Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện và hỗ trợ Đại sứ hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước phát triển ngày càng thực chất, toàn diện, hiệu quả.
Qua Đại sứ, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi và những tình cảm tốt đẹp nhất tới Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah và Hoàng hậu; nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp, sự tiếp đón trọng thị, chân thành của Quốc vương, Hoàng hậu và Hoàng gia Brunei trong chuyến thăm chính thức tới Brunei tháng 02/2023. Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Quốc vương thăm lại Việt Nam.
Thủ tướng và Đại sứ vui mừng nhận thấy sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022), hợp tác giữa Việt Nam và Brunei đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 720 triệu USD; Brunei đứng thứ 27/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 157 dự án có hiệu lực, tổng vốn đăng ký 970 triệu USD.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của hai bên với việc lần đầu tiên ký được Chương trình hành động triển khai Quan hệ Đối tác Toàn diện giai đoạn 2023 - 2027, làm cơ sở thúc đẩy hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, Thủ tướng tin tưởng rằng với kinh nghiệm phong phú, Đại sứ sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả, góp phần củng cố hơn nữa đoàn kết và gắn kết trong ASEAN, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đề nghị trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Brunei tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, phối hợp tại các diễn đàn đa phương; thường xuyên rà soát, đôn đốc và triển khai hiệu quả các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình hành động triển khai Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Brunei giai đoạn 2023-2027, tập trung vào 04 lĩnh vực quan trọng gồm dầu khí, hóa chất, chế biến thực phẩm Halal, du lịch và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng đề nghị phía Brunei tạo thuận lợi nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, góp phần đưa quan hệ thương mại phát triển theo hướng cân bằng và đa dạng hơn; hỗ trợ Việt Nam trong sản xuất và cấp giấy chứng nhận các sản phẩm Halal cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa Halal toàn cầu (Việt Nam cung cấp nguyên liệu, Brunei sản xuất); tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác với doanh nghiệp Brunei, nhất là các dự án dầu khí tiềm năng.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, đánh giá cao và đề nghị Trường Đại học Quốc gia Brunei tiếp tục thúc đẩy chương trình giảng dạy tiếng Việt, chương trình liên kết với các đối tác Việt Nam; đề nghị phía Brunei tiếp tục cấp học bổng và triển khai hiệu quả các khóa trao đổi sinh viên ngắn hạn như Chương trình Khám phá Toàn cầu, Chương trình Năm Khám phá.
Đại sứ Datin Paduka Malai Hajah Halimah Malai Haji Yussof cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn; đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ của phía Việt Nam với các dự án hợp tác của Brune.
Bà khẳng định Brunei coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Brunei của Thủ tướng Chính phủ, tin tưởng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Bà khẳng định sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa hai nước, triển khai hiệu quả các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được, nhất là trong các nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo như thực phẩm Halal, giáo dục – đào tạo.
Cũng tại cuộc tiếp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; thúc đẩy thực hiện DOC, sớm đạt được một COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.