Thời sự

Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

(VOVTV) - Sáng nay 5/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
05/01/2024 16:31

Dự Hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Uỷ viên Trung ương, Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, dành thời gian đến dự. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do điều kiện công tác chưa đến dự được, đã gửi lời chúc mừng đến Hội nghị và kết quả của năm 2023 cao hơn năm 2022 và giao nhiệm vụ cho Chính phủ không được chủ quan, thoả mãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên tinh thần bám sát Kết luận số 64 của Trung ương, Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103 của Quốc hội và tình hình thực tiễn; các báo cáo và dự thảo các Nghị quyết của Chính phủ gửi các đồng chí đã đánh giá đầy đủ, khá toàn diện về bối cảnh tình hình năm 2023, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời dự báo tình hình; đề ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.

Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại năm 2023, về tổng thể tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn trong đó có “những cơn gió ngược” như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao; suy giảm tăng trưởng; hậu quả dịch bệnh kéo dài; cạnh tranh chiến lược, xung đột ở Ukraina và Dải Gaza; thiên tai, biến đổi khí hậu; nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng trên toàn cầu…

Ở trong nước, nền kinh tế chịu “tác động kép” của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, có độ mở cao, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế - một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động, ảnh hưởng lớn đến bên trong.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá, làm sâu sắc hơn bối cảnh tình hình năm 2023 và tác động, ảnh hưởng đến nước ta thế nào? 

Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

 "Về kết quả phát triển KTXH năm 2023 Thủ tướng chỉ rõ, tình hình KTXH năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên. Việc đánh giá khái quát như vậy đã đúng, sát thực tế và khách quan chưa? Trong bối cảnh tình hình khó khăn, chúng ta khẳng định những kết quả quan trọng, khá toàn diện đạt được, nhưng cũng cần phân tích, đánh giá có được là nhờ đâu?"

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2023, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới. 

Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, đổi mới, chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn; Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đồng tình với báo cáo về kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ đồng thời nhận định, năm qua đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trong dưới sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

"Tôi rất tâm đắc với sự lãnh đạo toàn diện sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những chỉ đạo tháo gỡ cụ thể và kịp thời. Có thể nói về vĩ mô, chúng ta đã nâng được sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động bất lợi từ bên ngoài. Tôi cho rằng đây là một thành tựu rất lớn của Việt Nam của chúng ta trong so sánh. Để thành phố hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và cùng cả nước đóng góp vào kết quả chung. Tôi xin được kiến nghị Chính phủ sớm ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị định thay Nghị định 93 và hỗ trợ thành phố tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vụ việc lớn các vướng mắc về mặt pháp lý vụ khó tồn đọng lâu năm, các vụ mới phức tạp phát sinh như là SCB hay là Vạn Thịnh phát."

Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh- Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương

"Từ góc nhìn địa phương chúng tôi cũng rất ấn tượng và được truyền cảm hứng từ phong cách chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong năm qua. Một số bộ, ngành đã có nhiều đổi mới quan tâm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Năm 2023 cũng là năm mà tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,45 %. Và chúng tôi xin có 2 cái kiến nghị đề xuất. Thứ nhất là đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 44 về thu tiền sử dụng đất và Nghị định 10 hướng dẫn thi hành Luật đất đai để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng. Thứ hai là đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy nhanh hơn quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư các khu công nghiệp mới tỉnh để Bắc Giang có quỹ đất tiếp tục thu hút đầu tư."

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo. Ở trong nước, chúng ta khẳng định có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện khối lượng công việc thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; đồng thời xử lý nhiều việc cấp bách, đột xuất phát sinh tiếp tục giải quyết những tồn đọng, hạn chế kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, đổi mới hơn, quyết liệt hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn, sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời báo cáo BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách. Cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất sâu sát, chủ động nắm tình hình, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả; kịp thời có những quyết sách cụ thể, phù hợp để xử lý những vấn đề mới phát sinh.

Về kết quả phát triển KTXH Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình KTXH tiếp tục phục hồi tích cực; tháng sau tốt hơn tháng trước; quý sau cao hơn quý trước; cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó một số kết quả nổi bật là:

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%; Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng; Thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chú trọng; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện; PCTN, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh. Công tác quy hoạch được chú trọng; liên kết vùng, điều phối vùng được tăng cường; 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; Nhiều vấn đề tồn đọng và đột xuất phát sinh được xử lý quyết liệt, hiệu quả, có chuyển biến rõ nét. Tập trung xử lý 06 ngân hàng yếu kém; 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân; toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta; Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Các địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…

Cùng với đó Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong đó đặc biệt lưu ý phải thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách theo các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng nhận định tình hình năm 2024 tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần “Năm quyết tâm”:

Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật;Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, DN được hưởng thụ thật; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Về quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bảo đảm ổn định chính trị, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thủ tướng chỉ rõ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược; Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi; Phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó BĐKH; Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng... Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06 trên địa bàn.

Tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền. Chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chú trọng bảo đảm ASXH, đời sống người dân, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm “an ninh, an toàn, an dân”; tổ chức cho Nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; không để ai không có Tết.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Thủ tướng đề nghị các Thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương quán triệt tinh thần hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong toàn hệ thống cán bộ, công chức, viên chưc trong phạm vi quản lý; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, TTgCP sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các đồng chí để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh. Cùng cả hệ thống chính trị, chúng ta phải nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025./.

Ý kiến của bạn