Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm về phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn và hệ sinh thái

(VOVTV) - Ngay sau khi đến Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn và hệ sinh thái.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
16/01/2024 20:49

Đây là một hoạt động quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên 2024, và là cơ hội để cùng nhau chia sẻ, đối thoại cởi mở, chân thành, thẳng thắn, cùng tìm ra những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư thời gian tới. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức. 

DSC_8712.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Việt Nam tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn và hệ sinh thái.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp đã chia sẻ về những mong muốn hợp tác và cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn và hệ sinh thái. Lãnh đạo các bộ ngành đã chia sẻ về các cơ chế chính sách và cơ hội hợp tác, môi trường hợp tác cho các nhà đầu tư.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về sự thành công của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để đạt được kết quả như ngày hôm nay Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế, đồng thời chia sẻ về nền tảng phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê - nin tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng hơn 4 nghìn năm của Việt Nam. Cùng với đó là tự lực tự cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ lấy nội lực là chiến lược là lâu dài là quyết định, lấy ngoại lực là quan trọng và đột phá. Qua quá trình đó, Việt Nam rút ra 5 bài học. Thứ nhất là độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội. Thứ 2 là nhân dân làm lên lịch sử; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Thứ 3 là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thứ 4 là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ 5 là mọi lợi ích đều hướng tới người dân, vì cuộc sống hạnh phúc ấm no của nhân dân.

Thủ tướng đã chia sẻ về nền tảng phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam là: "...huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

thủ tướng.jpg

Việt Nam coi khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, thực tế, nhiều Tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Amkor, Qualcomm, Infineon, Marvell, Hana Micron... Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, đã khẳng định Việt Nam sẽ là quê hương thứ hai của NVIDIA và là trung tâm lớn nhất của NVIDIA trên thế giới.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20. Ký 16 FTA với hơn 60 nước, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn, chất lượng cao, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu Việt Nam (EVFTA),...

Đây là những nền tảng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thành tựu công nghệ sản xuất mới, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững.

Về một số kết quả đạt được của Việt Nam trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp ô tô, chip bán dẫn Thủ tướng cho biết, lĩnh vực AI, sau 02 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo', Việt Nam đã tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo lên thứ 55/181 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tạo dựng được môi trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp AI trên thế giới đến phát triển tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, truyền thông, giáo dục, an ninh mạng, tài chính, nhà máy thông minh, đô thị thông minh và công nghệ bán dẫn... 

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên .jpg

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Về công nghiệp ôtô, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 20502, trong đó có lộ trình chuyển đổi các phương tiện giao thông sang sử dụng điện; khuyến khích các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Về lĩnh vực bán dẫn, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bản dẫn. Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực này.

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng đề nghị, các Tập đoàn, doanh nghiệp: Đầu tư cho nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi, ứng dụng AI tại Việt Nam; Tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia; Liên kết với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu để xây dựng các chương trình đào tạo kỹ sư về AI và các giải pháp công nghệ số.

Về lĩnh vực ôtô, Việt Nam sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, các công cụ cần thiết để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp sản xuất ôtô, nhất là ôtô điện; Đẩy nhanh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư để triển khai lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện; Nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện, thân thiện với môi trường.

Về lĩnh vực bán dẫn Việt Nam sẽ đầu tư triển để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn (thiết kế, chế tạo, đóng gói). Trước mắt tập trung ưu tiên, làm chủ khâu thiết kế, sau đó là thử nghiệm và sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.jpg

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thủ tướng đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, thiết kế, kiểm định chip tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và các cơ sở phù hợp của Việt Nam; Tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực quản lý, kỹ sư, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn; Liên kết, đặt hàng các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam để thiết kế, sản xuất các sản phẩm chip; Nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận toàn cầu, Thủ tướng tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn, công nghệ ô tô và AI trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững và thành công tại Việt Nam./.

Ý kiến của bạn