Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
(VOVTV) - Sáng 13/8, trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; thị sát Dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn thành phố Cao Lãnh; thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam,...
Sáng 13/8, trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đến dâng hương, viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (phường 4, thành phố Cao Lãnh), thăm và kiểm tra khu nông công nghệ cao và các công trình giao thông trọng điển của tỉnh.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Đến ngày 9/4/1992 Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Nằm trong quần thể Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là Mô hình Nhà sàn Bác Hồ và Ao Sen Đồng Tháp, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/1990 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mô hình Nhà sàn Bác được xây dựng theo tỉ lệ 1:1
Đến năm 2010 và trong dịp Lễ giỗ lần thứ 81 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, (2/12/2010 nhằm 27/10 âm lịch) Khu di tích đưa vào sử dụng dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhiều hạng mục: Nhà trưng bày cuộc đời Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phục dựng tái hiện một góc Làng Hòa An xưa nhằm thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ Sắc – một nhà nho yêu nước thương dân, một thầy thuốc giỏi; đồng thời giúp du khách hình dung nơi Cụ đã từng sống, hoạt động trong khoảng thời gian 1927 – 1929; Khu vực tái hiện Làng Hòa An xưa với diện tích 22.000 m2, gồm các ngôi nhà di tích gắn với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; các kiểu nhà truyền thống của làng quê Nam bộ xưa, các tổ hợp hình làng nghề truyền thống: xắt thuốc lá, xay lúa giã gạo, nghề rèn, sinh hoạt đờn ca tài tử… Năm 2012, nhân lễ giỗ lần thứ 83 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khánh thành công trình Đền Thờ để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn đối với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một trong những điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, một địa chỉ đỏ để tổ chức sinh hoạt về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Thủ tướng và đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà lãnh đạo kiệt suất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thủ tướng và đoàn nguyện phấn đấu hết mình vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn thành phố Cao Lãnh (Tuyến tránh thành phố Cao Lãnh). Quy mô dự án: dài 16,5 km;chiều rộng: nền 12m, mặt 11m; 13 cầu, 27 cống; tổng mức đầu tư 912,326 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Tặng quà, động viên cán bộ, công nhân trên công trường, Thủ tướng lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, kỹ mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. VINARICE đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED) – Tập đoàn giống cây trồng hình thành sớm nhất và đồng hành cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng, nhà máy Vinarice có quy mô và hiện đại bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trở thành trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản của cả vùng ĐBSCL, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, quản trị thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0. Nhà máy Vinarice có công suất sấy và chế biến 50.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/ năm. Hệ thống dây chuyền công nghệ sấy và chế biến hiện đại, đồng bộ, hoàn toàn tự động của Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam, giữ nguyên hương vị tự nhiên của từng sản phẩm, đáp ứng các quy trình kiểm định khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế, an toàn với con người và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện sứ mệnh “nâng tầm thương hiệu lúa gạo Việt” và đời sống của người nông dân làm lúa ngày càng được nâng cao.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát. Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; phải dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, đó là mảnh đất, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hoá; cùng với đó là coi trọng nguồn lực bên ngoài, do đó phải tích cực hội nhập, phải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua khảo sát, Thủ tướng đánh giá Công ty đang tích cực chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hoá sản phẩm. Muốn vậy, đơn vị phải ổn định chất lượng, số lượng, giá cả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hoá, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý cần chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu lâu dài; có thương hiệu rồi thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, dành quỹ đất hợp lý, hài hoà hiệu quả để phát triển thương hiệu, bảo đảm lợi ích cho cả người nông dân; công nghiệp hoá nông thôn. Về vấn đề này, địa phương phải cùng làm với doanh nghiệp. Coi trọng khoa học công nghệ, trong đó coi trọng giống chất lượng cao, ngắn ngày; áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp; coi trọng bao bì, mẫu mã hấp dẫn, truy xuất nguồn gốc, đẩy nhanh việc chuyển đổi số; quy trình sản xuất tiên tiến, xanh, giảm khí methane; ngân hàng phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp: phải lo cho nông dân phân bón, cấp nguyên liệu cho nhà máy, đa dạng hoá thị trường.
Công ty phải có hệ sinh thái là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ nông dân với thoả thuận hợp tác lâu dài, hài hoà lợi ích, ổn định thị trường, có văn hoá kinh doanh. Chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong lúc này, nâng cao hiệu quả trên đất cho người nông dân.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười).
Hợp tác xã được thành lập năm 2002, với vốn góp hơn 1 tỷ đồng, đến nay có 95 thành viên, trong đó có 10 đảng viên là thành viên của Hợp tác xã. Những năm qua, Hợp tác xã đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả (ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, liên kết sản xuất) giúp xã viên nâng cao thu nhập, đời sống ngày càng được cải thiện.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, mô hình này của Hợp tác xã Thắng Lợi đang đi đúng chủ trương, đường lối của Đảng là xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ bị giới hạn, không phát triển, không thoát ra được vòng luẩn quẩn, không tiếp cận được sự hiện đại của thế giới. Do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Nghị quyết của Đảng xuất phát từ người dân. Vừa qua, Bộ Chính trị đã xây dựng 6 Nghị quyết phát triển 6 vùng, trong đó coi trọng phát triển nông nghiệp. Bây giờ, chúng ta phải đổi mới tư duy về nông nghiệp, đó là phải chuyển đổi số, số hoá đồng ruộng, từ đó chú ý các cơ sở dữ liệu (như sâu rầy, độ chua phèn của đất…).
Thủ tướng đánh giá vai trò của kinh tế tuần hoàn ở đây là rất rõ, điển hình là cụm máy móc nông nghiệp trên đồng ruộng của hợp tác xã; cần phải tăng trưởng xanh, giảm lượng phát thải khí methane, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
"Chúng ta cần tiếp tục phải tích tụ ruộng đất, xây dựng thương hiệu, bảo đảm có vùng nguyên liệu ổn định; người nông dân phải có hỗ trợ của khoa học công nghệ, công nghiệp hoá nông thôn bằng các loại máy móc thiết bị hiện đại; phải có vốn, do đó ngân hàng phải có chính sách ưu tiên; phải có thị trường, phải có doanh nghiệp lo vấn đề này (phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị, lo đầu ra). Doanh nghiệp phải cam kết hợp tác ổn định với nông dân, hợp tác bền vững; phải đóng vai trò điều tiết chỗ này. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải hành động quyết liệt. Biểu dương sự nỗ lực của Đồng Tháp đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, thực hiện Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hợp tác xã"- Thủ tướng nêu rõ.