Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia

(VOVTV) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các thành tựu gần đây của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia trong hoạt động kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của hai nước, đồng thời giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
09/03/2024 08:41

Sáng ngày 9/3, tại thủ đô Canberra, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo và các thành viên Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia.

Cùng tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ ngành tham gia đoàn công tác.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia- Ảnh 1.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết cộng đồng người Việt rất vui mừng khi vị thế đất nước ngày càng được nâng lên tầm cao mới và trong chuyến thăm của Thủ tướng, hai nước Việt Nam - Australia đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Australia, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

“Australia đón tiếp Thủ tướng rất đặc biệt. Việc Toàn quyền Australia đích thân lái xe đưa Thủ tướng đi tham quan Phủ Toàn quyền là điều rất hiếm có, không phải lãnh đạo quốc gia nào cũng được dành nghi lễ như vậy. Chuyến công tác của Thủ tướng làm cộng đồng người Việt đều hãnh diện, tự hào”, ông nói. Về cá nhân, ông khẳng định tuy đã xa đất nước 45 năm nhưng cá nhân ông vẫn luôn rất hãnh diện là người Việt Nam, luôn giữ trái tim Việt Nam, hướng về Việt Nam.

Ông Phúc cũng cho rằng sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài… chính là cầu nối, là yếu tố quyết định để cộng đồng người Việt khoảng 6 triệu người trên toàn thế giới tăng cường đoàn kết và hướng về đất nước, quê hương, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Không có cầu nối đó thì không thể đoàn kết được cộng đồng lớn mạnh như vậy, ông khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia- Ảnh 2.

Ông Phúc cho biết Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia thành lập đầu năm 2010, đến nay có khoảng 500 hội viên, trong đó có khoảng 100 hội viên trong nước. Hội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Australia; kịp thời phản ánh tình hình phát triển của quê hương, đất nước; xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu, đưa hàng hóa Việt Nam sang các siêu thị của Australia. Hội sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối để thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh doanh và ông tin rằng quan hệ kinh tế song phương sẽ còn tiến xa, sâu sắc hơn nữa.

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam cho biết rất vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Vừa qua, lần đầu tiên những người Việt Nam ở nước ngoài được mời tham gia góp ý vào Luật Đất đai. Nhiều ý kiến tại cuộc gặp cũng khẳng định cộng đồng người Việt nước ngoài rất phấn khởi với Luật Đất đai vừa được thông qua có nhiều nội dung mới, phù hợp tình hình.

Doanh nhân Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài đầu tư về nước, trong đó có dự án Six Senses Côn Đảo được các tạp chí uy tín vinh danh là khu nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Nam Á. Nêu một số đề xuất, ông khẳng định mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực du lịch rất tiềm năng ở Việt Nam.

Khẳng định tiềm năng, cơ hội rất lớn sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, các đại biểu nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới chính sách visa, tỷ giá, thuế, kết nối thông tin trong và ngoài nước… để tiếp tục đồng hành, góp phần xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, phát huy nguồn lực trí tuệ từ những người du học tại Australia, thu hút du khách từ Australia thăm Việt Nam, đưa người Việt sang Australia lao động, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, hàng hóa Việt Nam sang Australia…

Các đại biểu cũng cho biết nhiều nước, trong đó có Austrlia đang rất quan tâm tìm hiểu các nhà cung ứng, sản xuất từ Việt Nam để đa dạng hóa nguồn cung. Ông Henry Trần, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney lấy ví dụ, vừa qua ông đã dẫn một đối tác Australia đi thăm làng gốm sứ Bát Tràng và họ đánh giá rất cao chất lượng cũng như yếu tố văn hóa, lịch sử trong các sản phẩm gốm sứ này, họ đã lấy mẫu về Australia giới thiệu và đang nhanh chóng xúc tiến việc hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các thành tựu gần đây của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia

Sau khi các Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác phản hồi về các đề xuất, kiến nghị, phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến tại cuộc gặp, với mục tiêu góp phần cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa được thiết lập.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các thành tựu gần đây của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia trong hoạt động kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của hai nước, đồng thời giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia.

Thủ tướng vui mừng cho biết một trong những ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến thăm là các nhà lãnh đạo Australia đều đánh giá cao vai trò của người Việt. Trong trao đổi, Thủ tướng đã đề nghị phía Australia xem xét công nhận cộng đồng người Việt 350 nghìn người là dân tộc thiểu số của Australia và phía bạn đánh giá cao sáng kiến này.

Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Australia đang phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đã đạt mức gần 14 tỷ USD, hai nước đã trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Lãnh đạo hai nước đã thông qua Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Úc (EEES), là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Australia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Úc nói riêng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, trong chuyến thăm, hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, với 6 điểm hơn so với khuôn khổ trước đây, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư toàn diện, bao trùm, thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia- Ảnh 4.

Thủ tướng đề nghị Hội và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Australia phát huy những thành tựu đã đạt được, tận dụng tối đa cơ hội từ việc hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện để phát triển hơn nữa các mối liên kết, hợp tác kinh tế.

Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân, nòng cốt kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Australia, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước; đồng thời kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong nước và ở các nước khác, nhất là ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

Thủ tướng đề nghị Hội và các doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường hỗ trợ cộng đồng, nhất là những người yếu thế, những người mới tới Australia, kiên trì, tích cực thúc đẩy phía Australia xem xét, công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc gìn giữ, học tập tiếng Việt, giữ gìn, phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam; thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch.

Thủ tướng cũng đề nghị Hội và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Australia tiếp tụcquan tâm thúc đẩy hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế số, khai thác, chế biến sâu khoáng sản thiết yếu, hợp tác lao động, giáo dục đào tạo…

Về các đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo các bộ ngành đã phản hồi, Thủ tướng khẳng định luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn Hội và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thiết thực góp phần xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt càng lớn mạnh càng tốt, có vai trò, vị trí ngày càng cao, tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng, phát triển quê hương và sở tại cũng như túc đẩy quan hệ song phương.

Trước đó, chiều 8/3, (giờ địa phương), tại Canbera, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Australia trong các lĩnh vực đầu tư tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất, phân phối lương thực… đang mong muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.  

Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của các tập đoàn Tập đoàn; hoan nghênh các Tập đoàn đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam; đề nghị các Tập đoàn trong quá trình nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác liên quan triển khai các hoạt động theo đúng quy định, ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam; luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư.

Trong cuộc tiếp Lãnh đạo Công ty Corio thuộc Tập đoàn Macquarie - Tập đoàn tài chính đa ngành, đa quốc gia, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng, với tổng tài sản quản lý hơn 573,5 tỷ USD, Lãnh đạo Công ty cho biết, Corio đã tham gia nghiên cứu phát triển một số dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2019, mong muốn đầu tư phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Công ty đang phối hợp với một số đối tác huy động nguồn lực; hợp tác với đối tác Việt Nam, làm việc với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, song dự án vẫn chưa được triển khai do vướng mắc về quy trình, thủ tục; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án điện, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã đồng ý phép thực hiện thí điểm khảo sát phát triển điện gió ngoài khơi, giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục để thúc đẩy dự án của Công ty Corio.

Cho biết, điện có 5 khâu gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện, Thủ tướng đề nghị Công ty phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đối tác liên quan phía Việt Nam triển khai các bước để dự án sớm trở thành hiện thực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Đặc biệt lưu ý các bên nghiên cứu kỹ các khía cạnh về tính khả thi của dự án, nhất là về giá thành sản xuất và thị trường tiêu thụ điện; đề nghị Corio chuyển giao công nghệ công nghiệp điện gió cho Việt Nam; hợp tác với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để giảm giá thành sản xuất.

Thủ tướng tiếp ông Ian Jeffrey Gandel, Chủ tịch Tập đoàn ASM - Tập đoàn mới nổi của Australia trong lĩnh vực khai khoáng và phát triển chuỗi cung ứng kim loại và ông Oliver Kleinhempel, Chủ tịch Tập đoàn EQ Resources - Tập đoàn hàng đầu Australia trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tungsten đang đang tìm tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư khai thác và phát triển chuỗi cung ứng khoáng sản tại Việt Nam.

Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam có trữ lượng và chủng loại khoáng sản tương đối lớn, đang được nhiều đối tác đánh giá là có nhiều tiềm năng và Việt Nam đã và đang xây dựng quy hoạch, lựa chọn các đối tác để đầu tư, phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Tập đoàn nghiên cứu, xây dựng dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản tại Việt Nam khả thi, hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường; đồng thời chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản cho Việt Nam; hỗ trợ, tham vấn và cùng Việt Nam tham gia phát triển chuỗi cung khoáng sản, kim loại toàn cầu.

Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Tập đoàn ASM và Chủ tịch Tập đoàn EQ Resources cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác liên quan triển khai theo đúng quy định, trên tin thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, như Thủ tướng đã nêu.

* Tiếp lãnh đạo Tập đoàn SunRice - Tập đoàn sản xuất, phân phối gạo lớn nhất Australia, chiếm khoảng 90% thị phần gạo Australia, với doanh thu năm 2023 đạt khoảng 1,64 tỷ USD, ông Paul Serra, Giám đốc điều hành Tập đoàn cho biết, từ năm 2008, Tập đoàn đã hợp tác, đầu tư vào Việt Nam.

Từ năm 2022 đến nay, SunRice đang phối hợp triển khai dự án “Phát triển chuỗi cung ứng gạo chất lượng cao tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” với mục tiêu phát triển giống cao có năng suất và chất lượng cao, bền vững phục vụ thị trường tiêu dùng quốc tế; mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển sản xuất xanh, sản xuất sạch, nhất là trong ngành nông nghiệp; đánh giá cao Tập đoàn SunRice đã triển khai các dự án tại Việt Nam và hoan nghênh Tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn tiếp tục làm việc trực tiếp, hỗ trợ nông dân Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp; tìm kiếm đối tác Việt Nam để ổn định đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất; đầu tư kho bãi, thúc đẩy thương mại điện tử; hỗ trợ và cùng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn tư vấn và tham gia cùng Việt Nam triển khai triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Ngoài hợp tác trong sản xuất lúa, Tập đoàn hợp tác, đầu tư phát triển ngành thực phẩm halal tại Việt Nam; đầu tư vào các ngành thủy hải sản, trái cây…, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam – Australia đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đề nghị Tập đoàn hợp tác, đầu tư lâu dài, ổn định, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần “từ trái tim đến trái tim”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham quan mô hình dự án hydrogen tại Australia của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) – đang mong muốn đầu tư dự án khai thác khí LNG và sản xuất hydrogen tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang tập trung thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, trong đó có chuyển đổi năng lượng, thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; kế hoạch đầu tư của SK phù hợp với chủ trương của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có lợi thế và có kinh nghiệm trong công nghiệp khai thác khí, dầu khí và có trữ lượng khí lớn. Việt Nam ưu tiên các dự án khai thác khí LNG phục vụ cho sản xuất điện, sau đó sẽ phục vụ sản xuất hydrogen.

Cho biết, nhiều Tập đoàn muốn hợp tác, đầu tư và Việt Nam sẽ lựa chọn tôn trọng cơ chế thị trường, quy luật cạnh tranh, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SK phối hợp với các đối tác Việt Nam có kinh nghiệm và tiềm lực khẩn trương chuẩn bị dự án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét; đề nghị SK xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam./. 

Ý kiến của bạn