Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra các công trình trọng điểm TP. Hồ Chí Minh
(VOVTV) - Chiều nay 15/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra các công trình trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng đi có Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Nút giao thông An Phú được kỳ vọng trở thành nút giao thông lớn nhất, đẹp nhất TP.HCM
Điểm dừng chân kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính là Dự án nút giao An Phú, có vốn đầu tư 3.408 tỉ đồng với quy mô xây dựng 3 tầng. Dự án có phần đường từ 10 - 12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe.
Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30/4/2025, nút giao thông An Phú được kỳ vọng trở thành nút giao thông lớn nhất, đẹp nhất TP.HCM.
Theo đó, nút giao này sẽ xây dựng hầm chui kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn). Hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Ngoài ra sẽ xây dựng thêm 2 cầu vượt gồm 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với đó là 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội).
Tại mặt đất sẽ xây dựng đảo trung tâm và tháp biểu tượng cùng các hạng mục như hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật phù hợp theo phương án thiết kế kiến trúc.
Còn tại khu vực nút giao Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống sẽ xây dựng 2 cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại. Xây dựng thêm cầu giữa 2 cầu Giồng Ông Tố hiện hữu.
Nút giao An Phú là công trình giao thông trọng điểm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tồn tại ở khu vực cửa ngõ phía Đông TP.
Dự kiến khi hoàn thành, nút giao kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng các tuyến đường xung quanh như Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định… khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông nơi đây. Đồng thời, việc đi lại từ TP.HCM đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, miền Trung cũng nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.
Tại đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công của dự án chiếm 60% tổng vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng chỉ rõ, nhiệm vụ này là rất quan trọng Thành phố và nhà thầu, đơn vị thi công động viên anh em tập hợp lực lượng, nguồn lực cùng nhà tư vấn và nhà thầu có kế hoạch lộ trình làm việc rõ ràng, cụ thể, thường xuyên báo cáo cho Bí Thư Thành Ủy, Chủ tịch UBND Thành phố triển khai đúng tiến độ thi công, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Thủ tướng yêu cầu việc thiết kế biểu tượng khẩn trương, và phải là một điểm nhấn, một sản phẩm du lịch của Thành phố.
Thủ tướng cho biết tháng 7/2022 Thủ tướng đã đến kiểm tra và làm việc tại đây nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, đến nay dự án đã được triển khai đúng tiến độ và có kết quả. Thủ tướng tin tưởng thành phố, nhà thầu, đơn vị thi công sẽ hoàn thành công trình vào dịp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2025.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay và trước thực trạng vừa qua một số bộ ngành, địa phương giải ngân chậm, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và nhanh chóng đưa các không gian mới vào khai thác.
Tiếp đó đoàn công tác của Thủ tướng đã đến kiểm tra Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), di chuyển trên tàu Metro từ Ga Rạch Chiếc đến Ga Bến xe Suối Tiên Ga Bến xe Suối Tiên.
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km từ ga Bến Thành, Quận 1 đến depot Long Bình, thành phố Thủ Đức, với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án được khởi công tháng 8/2012, song phải nhiều lần điều chỉnh do những vướng mắc, đình trệ. Hiện nay, dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng này đã thực hiện đạt 94,55% khối lượng.
Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát, thăm và tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ Ga Rạch Chiếc đến Ga Bến xe Suối Tiên thuộc Dự án. Sau khi nghe báo cáo và trải nghiệm trên tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau khi kiểm tra dự án vào tháng 7/2022, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo giỡ, giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho triển khai dự án. Thủ tướng biểu dương Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, tư vấn, giám sát đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp, tiếp tục thúc đẩy dự án, đảm bảo tiến độ, kỹ - mỹ thuật, an toàn, phấn đấu đưa dự án vào khai thác vào cuối quý 3/2023, dịp Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 và nhân Kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản; cũng từ dự án này rút kinh nghiệm cho những dự án sau. Bên cạnh đó, yêu cầu Thành phố sớm hoàn thành công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, trên cơ sở đó xem xét triển khai các tuyến Metro tiếp theo.
Nhân đây, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã dành hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có tuyến Metro số 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ưu tiên dành cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới để phát triển hạ tầng, trong đó có Dự án đường sắt đô thị số 2, Thành phố Hồ Chí Minh (metro Bến Thành - Tham Lương).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở 2
Ngay sau khi khiểm tra 2 dự án giao thông trọng điểm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở 2, cùng dự có lãnh đạo lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo các bộ, cơ quan, ban ngành, lãnh đạo, các y bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Ung bướu.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Tp. Hồ Chí Minh có thêm một bệnh viện mới phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ Tp. Hồ Chí Minh mà còn khám chữa bệnh cho nhân dân cả nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới toàn thể cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở 2 lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị, Đề án, trong đó đặc biệt là “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân” các giai đoạn và Đề án 125 về “Đầu tư xây dựng 05 bệnh viện mới tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Thủ tướng rất ấn tượng và vui mừng nhận thấy, Dự án Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường, đáp ứng về tiêu chuẩn bệnh viện hiện đại với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản; hệ thống trang thiết bị hiện đại; không gian khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp, là nơi mà bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái theo tinh thần “Trao niềm tin và nhận lại hi vọng.”
Thủ tướng chỉ rõ, thời gian tới, nhiều yếu tố như môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tình trạng già hóa dân số và lối sống công nghiệp, thiếu lành mạnh, ít vận động… làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư… Các cấp, các ngành, các địa phương, nòng cốt là Bộ Y tế phải xác định rõ ung thư là bệnh nan y, rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, người bệnh thường gặp khủng hoảng về mặt tâm lý, việc điều trị rất tốn kém về tài chính, đòi hỏi công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại để có biện pháp phòng ngừa, tầm soát, phát hiện sớm và điều trị một cách có hiệu quả. Theo đó Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế, hệ thống các bệnh viện thực hiện nghiệm việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30 và Nghị định 07 của Chính phủ.
Tích cực hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nói chung và đối với bệnh ung thư nói riêng. Tăng cường đầu tư cho công tác tầm soát, phát hiện sớm để chủ động điều trị bệnh ung thư vì theo Thủ tướng thực tế hiện nay, đa số bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh muộn, nên việc điều trị rất khó khăn; nếu được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng có hiệu quả.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả tầm soát, điều trị ung thư vì hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư phải ra nước ngoài chữa bệnh vì thiếu máy móc, thiết bị điều trị hiện đại, tốn kém hơn rất nhiều so với trong nước.
Chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hạnh động của người dân để có lối sống lành mạnh, khoa học và chủ động trong tầm soát các bệnh nan y nguy hiểm, trong đó có bệnh ung thư.
Chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về các đề xuất, kiến nghị để Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở 2 có điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân; góp phần xây dựng mạng lưới cơ sở y tế chất lượng cao.
Về phía UBND TP. HCM phát huy thế mạnh là đầu tầu kinh tế, là trung tâm y tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, quan tâm hơn nữa, tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng bệnh và chữa bệnh nói chung, các bệnh nan y nói riêng, trong đó có bệnh ung thư. Chú trọng phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở để chủ động phòng ngừa, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Tận dụng tối đa lợi thế về các cơ chế đặc thù của TP.HCM, mạnh dạn triển khai thí điểm các mô hình mới, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tăng cường nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ hiện đại… trong lĩnh vực y tế, phục vụ phát hiện và điều trị bệnh ung thư.
Thủ tướng đề nghị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”; không ngừng học tập, rèn luyện để “Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật”.
Xác định ung thư là bệnh đặc biệt, người bị ung thư là bệnh nhân đặc biệt, vì thế việc điều trị bệnh không chỉ bằng các biện pháp y học đơn thuần mà phải quan tâm giải quyết các vấn đề tâm lý của người bệnh.
Phải quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất của bệnh viện; tăng cường chuyển giao công nghệ kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt nhất cho người bệnh.
Tăng cường phối hợp, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, y thuật với các bệnh viên lớn về ung bướu trong nước và quốc tế để không ngừng nâng cao trình độ, chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
"Tôi mong muốn và tin tưởng rằng các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế của ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với tinh thần “luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”, tiếp tục nỗ lực, cống hiến, mãi thắp sáng ngọn đuốc truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của Nhân dân."
Trong chương trình làm việc chiều nay đoàn đã đi khảo sát và nghe báo cáo và kiến nghị về dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và đi kiểm tra tình hình cung ứng thuốc và thiết bị y tế tại một số bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh./.