Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ Khánh thành cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2
(VOVTV) - Sáng nay 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ Khánh thành cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 tại Hà Nội. Cùng dự có các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy (bao gồm cả cầu giai đoạn 1) có 8 làn xe ô tô (40m). Với việc hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch.
Mặc dù việc thi công dự án Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài; mặt bằng thi công trên sông, điều kiện thủy văn sông Hồng phức tạp, thời tiết khắc nghiệt…, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội và sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn và các cán bộ, công chức, người lao động tham gia xây dựng công trình đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ, làm việc không kể ngày đêm, “tăng ca, tăng kíp”, huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để sau gần 3 năm thi công, dự án cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của Thành phố Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự quyết tâm, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm của các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố Hà Nội cũng như sự nỗ lực của Ban quản lý và các nhà thầu.
Thủ tướng đã chỉ rõ bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng, trong đó nhấn mạnh:
"Không có việc gì khó vì vậy phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc có hiệu quả.
Cùng với đó tăng cường phân cấp phân quyền, chuẩn bị kỹ quá trình đầu tư dự án.
Kiểm tra đôn đốc thường xuyên để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời xử lý các vấn phát sinh; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội theo quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là: Khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao thông liên quan nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2025 - 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi cây cầu, mỗi công trình của Hà Nội phải là một sản phẩm du lịch độc đáo, vừa giải quyết vấn đề giao thông, vừa đảm bảo kỹ mỹ thuật góp phần khai thác tối đa tiềm năng văn hóa, du lịch của Thủ đô.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan sớm có thông báo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Phê duyệt dự án thành phần 3 (Vành đai 4) theo hình thức PPP, gửi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong tháng 9/2023 và khởi công cầu Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024.
Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, đồng lòng để thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có tính kết nối, lan tỏa cao.
Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả cây cầu. Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay chăm lo bảo dưỡng, bảo vệ các hạng mục công trình, bảo đảm công trình được khai thác hiệu quả, bền vững./.
Tin nổi bật
Tin Video