Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ
(VOVTV) - Chiều nay 6/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Công an, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo các bộ ngành.
Tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ các thành viên Ban chỉ đạo đã thông qua Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 05/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 269/QĐ-TTg; Nghe Báo cáo Tờ trình dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án tổng kết và Tờ trình dự thảo Đề cương sơ bộ Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV).
Cùng với đó, các thành viên Ban chỉ đạo cũng thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án tổng kết, dự thảo Đề cương sơ bộ Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV) và các vấn đề cần xin ý kiến của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương,.. vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, theo đó việc tổng kết cơ cấu tổ chức của Chính phủ qua các nhiệm kỳ là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ phù hợp với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và tình hình thực tế, nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Đảng.
Trên tinh thần đó, căn cứ nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV) để tập trung, thống nhất chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ triển khai nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của từng Bộ, ngành và của Chính phủ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo thảo luận xác định rõ mục tiêu xây dựng Đề án tổng kết, theo tôi Đề án tổng kết phải đạt 02 mục tiêu: Nghiên cứu, đánh giá có hệ thống, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 04 nhiệm kỳ Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV); Đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XVI và nhiệm kỳ tiếp theo.
Phải đáp ứng những yêu cầu việc xây dựng Đề án tổng kết phải đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đề xuất các định hướng, giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tỉnh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm đầu mối bên trong, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ. Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện tổng kết; Công tác tổng kết tiến hành thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về phạm vi Đề án tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo tỉnh thần Nghị quyết, Kết luận của Đảng; Rà soát các vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước và phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực; Nghiên cứu các quy định của Đảng để đề xuất định hướng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI và giai đoạn tiếp theo.
Về các sản phẩm của việc xây dựng Đề án theo Thủ tướng ngoài Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (là sản phẩm cuối cùng, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị), cần phải có những báo cáo chuyên đề, đề án nào để phục vụ Đề án tổng kết này không? Ví dụ như: Báo cáo đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng Bộ, ngành; Báo cáo đánh giá việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo từng nhóm, ngành lĩnh vực,...
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ trải qua 4 nhiệm kỳ Chính phủ, với nhiều nội dung phức tạp liên quan đến rà soát, điều chỉnh, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ qua nhiều nhiệm kỳ, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, trong đó có vai trò rất quan trọng của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai nhiệm vụ tổng kết của Bộ, ngành mình và ngành, lĩnh vực được Ban Chỉ đạo phân công để bảo đảm việc tổng kết đạt mục tiêu, kết quả cao nhất.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung nghiên cứu, phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận vào thẳng vấn đề, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết./.
Tin nổi bật
Tin Video