Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26
(VOVTV) - Chiều nay 14/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc, các thành viên ban chỉ đạo và lãnh đạo các bộ ngành trung ương.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là đòi hỏi cấp bách của sự phát triển chung của cả thế giới, đặc biệt đối Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Đây là nhiệm vụ nặng nề đối với Việt Nam – một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi. Tuy nhiên, trên thế giới, gần đây, các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh. Đây là yêu cầu buộc chúng ta không thể không đáp ứng. Cạnh tranh về tăng trưởng xanh rất là lớn. Đây vừa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, chúng ta đã tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều các hiệp định FTA và một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Do đó Việt Nam không có tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, bảo đảm đời sống nhân dân thì rất khó hội nhập, vì thế chúng ta phải có hành động đi cùng xu thế của thế giới, không thể phát triển mà không tranh thủ xu thế.
Thủ tướng nêu rõ, một trong những bài học trong phát triển là chúng ta phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp truyền thống với hiện đại, tranh thủ hợp tác với các nước lớn, phải tập trung phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu. Ngay sau sau Hội nghị COP26, COP27, chúng ta đã triển khai các công việc liên quan để triển khai các cam kết nhưng do hơn 2 năm bận chống dịch, việc này chưa được làm quyết liệt, chưa thật sự mạnh mẽ. Do đó phải nhìn lại, đánh giá lại, những gì làm được, chưa làm được, công việc để rút kinh nghiệm.
Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đang được thế giới ủng hộ, đặc biệt là chúng ta đã đấu tranh chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý, thông qua JETP, các nước đã cam kết ủng hộ Việt Nam, và chúng ta là một trong 3 nước được ủng hộ, do đó chúng ta phải tranh thủ khai thác việc này, đặc biệt là nguồn lực, nếu chúng ta không tranh thủ được sự ưu đãi này thì sẽ bỏ lỡ sự phát triển.
Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần trách nhiệm thật sự vì nước, vì dân, các thành viên Ban Chỉ đạo cần suy nghĩ tìm ra những giải pháp cụ thể, tình hình thay đổi thì tư duy phải thay đổi, phải quyết tâm làm.
Tại hội nghị, các thành viên BCĐ đã cho ý kiến về Đề án triển khai JETP; nghe báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về kết quả hoạt động từ năm 2022 đến nay, nhiệm vụ năm 2023 của BCĐ và Báo cáo tóm tắt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và thảo luận về các nội dung huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam hướng tới mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; Kế hoạch thực hiện cam kết chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; các dự án giảm phát thải từ rừng và nông nghiệp./.
Tin nổi bật
Tin Video