Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10
(VOVTV) - Sáng nay (4/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan Trung ương.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tháng 10 vừa qua đi với rất nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, đặc biệt là Hội nghị trung ương lần thứ 8, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, hoạt động đối ngoại sôi động…
Cũng trong tháng 10, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi với các yếu tố rủi ro gia tăng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, tác động lớn trên quy mô toàn cầu như hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, địa kinh tế gia tăng; xung đột tại Ukraina khó đoán định, xuất hiện thêm xung đột tại Dải Gaza; Lạm phát ở nhiều nước tuy đã hạ nhiệt những vẫn neo ở mức cao ; biên độ giá cả lương thực và năng lượng dao động lớn.
Lạm phát tại Mỹ tăng trở lại trong 3 tháng gần đây, ở mức 3,7% trong tháng 9 và còn cách xa mục tiêu 2%. Lạm phát của Châu Âu giảm xuống mức 2,9% trong tháng 10/2023, nhưng vẫn còn khoảng cách với mục tiêu 2%.
Giá dầu tháng 9, tháng 10 dao động trong khoảng 81-90 USD/thùng, trong khi 8 tháng đầu năm trong khoảng 67-83 USD/thùng. Giá gạo trong tháng 09/2023 cao hơn 28% so với mức trung bình năm 2022, đạt mức cao kỷ lục trong 15 năm; IMF dự báo lạm phát thế giới năm 2023 là 6,9% và giảm còn 5,8% năm 2024.
Nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, lãi suất điều hành tại Mỹ, EU lần lượt ở mức 5,25-5,5% và 4,5%, hiện ở mức cao nhất trong vòng 22 năm qua; Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm ; nợ công toàn cầu tăng mạnh .
Một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu tích cực , nhưng nhìn chung kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng bất ổn định, phục hồi chậm và không đều. Tăng trưởng GDP so với cùng kỳ của Châu Âu tiếp tục đà giảm từ 5,6% trong quý III/2022 xuống 0,1% quý III/2023, trong đó kinh tế Đức giảm 0,3%; Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, hiện tượng El Nino gây nắng nóng kỷ lục tại nhiều nơi.
Về tình hình trong nước Thủ tướng cho biết, chúng ta triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài nhất là thị trường XNK, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm.
Trong bối cảnh đó, nhờ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình KTXH tháng 10 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, duy trì xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, cơ bản đạt mục tiêu tổng quát: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi NSNN được kiểm soát tốt. An sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ còn gần 2 tháng để nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, trong khi còn rất nhiều việc phải làm. Tại Hội nghị hôm nay, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2023 cùng các nội dung quan trọng về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, phân tích kỹ, đánh giá khách quan, sát thực tiễn, đánh giá tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng; nêu rõ những việc đã làm được và chưa làm được? Nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm? Bối cảnh từ nay đến cuối năm 2023 và thời gian tới có gì đáng lưu ý? Giải pháp trọng tâm, đột phá là gì? Các nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện, nhất là những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến ngày càng tích cực. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được giữ tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu NSNN 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký 10 tháng đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới tăng 54%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Nhiều dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm được khởi công; một số dự án được đưa vào khai thác, đã phát huy hiệu quả. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 106/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.
Chủ động tìm kiếm, tranh thủ cơ hội hợp tác, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư để thu hút các dự án lớn, hiện đại, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính chung 9 tháng, tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15,52% GDP.
Cuối tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại KCNC Hòa Lạc, thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023 - 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, nhiều hoạt động, sự kiện bên lề với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước tham gia.
Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngành giáo dục đẩy mạnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng dạy và học; đổi mới công tác biên soạn, phát hành sách giáo khoa; tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương. Ngành y tế chủ động theo dõi, kiểm soát dịch bệnh, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, không lơ là, chủ quan. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội, thời cơ mới để phát triển KTXH và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam./.
Tin nổi bật
Tin Video