Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật
(VOVTV) - Sáng nay 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 2 trong tháng 8 năm 2024 và là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 8 trong năm nay của Chính phủ. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, cùng các thành viên Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần rà soát lại các chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, những chỉ tiêu nào đã làm tốt thì cần làm tốt hơn, những chỉ tiêu nào chưa làm tốt thì cần nỗ lực làm tốt, những chỉ tiêu khó đạt thì phải có giải pháp đột phá.
Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã họp để chuẩn bị chuẩn bị đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra định hướng giải pháp năm 2025; do đó các thành viên Chính phủ phải dành thời gian góp ý, các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 - năm kết thúc nhiệm kỳ 2021-2026 của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng lưu ý đánh giá bối cảnh năm 2024; nhận diện rõ các tác động từ bên ngoài, tác động bên trong đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phản ứng chính sách của các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Trung ương xác định, Quốc hội giao.
Thủ tướng cho biết, các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2024 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, bội chi ngân sách, nợ Chính phủ… cơ bản là đạt được. Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế, bất cập; có những cái chưa đạt được do nguyên nhân bên trong, và bên ngoài, có những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Do đó cần phân tích năm 2025 có gì khác, có gì mới với năm 2024 khách quan có gì mới, từ đó đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để thúc đẩy mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng khẳng định, phiên họp này cho thấy Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo đối với 1 trong 3 đột phá chiến lược là thể chế vì thể chế là nguồn lực, động lực để huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển. Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã tích cực tháo gỡ về thể chế, có cái làm mới, có cái điều chỉnh, bổ sung, và tháo gỡ được nhiều vướng mắc.
Thủ tướng chia sẻ, công tác dự báo, xây dựng pháp luật của hiện nay còn hạn chế, do đó phải thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, và khi ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có cái chưa đi vào thực tiễn, thậm chí còn gây khó khăn cho thực tiễn, do đó khi làm phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, để kịp thời tháo gỡ, bổ sung, hoàn thiện thể chế.
Theo Thủ tướng, cần tư duy lại công tác xây dựng pháp luật, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hoá; những gì chưa rõ, chưa chín, thực tiễn còn đang có nhiều ý kiến khác nhau thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, tinh thần không cầu toàn, không nóng vội; không lấy một sự việc cá biệt để xây dựng một hành lang pháp lý.
Thủ tướng yêu cầu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cần dài mà cần ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề. Tư duy xây dựng luật pháp phải thay đổi theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; những cái gì chưa rõ thì không quy định vào luật; những gì cá biệt thì để cấp dưới ban hành, phải làm có lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khi tham gia nghiên cứu, xây dựng pháp luật phải thay đổi, không dài dòng, không đưa quá nhiều điều cụ thể vào Luật, mà cần khái quát hơn.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Nhà giáo; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt khi bàn về dự thảo Luật Nhà giáo, các thành viên Chính phủ đa số đồng tình với việc xây dựng luật này, tạo động lực phát triển ngành giáo dục nước nhà, đồng thời các thành viên Chính phủ cũng đề nghị Bộ giáo dục bổ sung các vấn đề liên quan đến chính sách cho giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vấn đề bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non…
Phó Thủ tướng Lê Thanh Long biểu dương bộ Giáo dục đào tạo đã soạn thảo nghiêm túc, khoa học dự án luật này, đồng thời đề nghị đề nghị Bộ Giáo dục tiếp thu các ý kiến của các thành viên Chính phủ nhất là các chế độ chính sách cho giáo viên cần điều chỉnh theo các ý kiến của các thành viên chính phủ, các chính sách đặc thù cần phải thuyết phục, có số liệu chứng minh mang tính thuyết phục, và rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm các quy định khi ban hành là hợp lý, khả thi, hiệu quả; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, phải càng ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện các quy định có liên quan về nhà giáo; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, nhất là những bài học từ thực tiễn quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo thời gian qua.
Thủ tướng cho biết, vấn đề trăn trở nhất là nâng cao chất lượng nhà giáo để đội ngũ nhà giáo cảm nhận sứ mệnh của mình trong điều kiện phát triển mới. Ngoài ra, còn các chế độ, chính sách, vinh danh nhà giáo… cần từng bước nghiên cứu, hoàn thiện, nhưng quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng sự nghiệp trồng người, con người là yếu tố quyết định nhất để phát huy sức mạnh của con người là trung tâm, chủ thể, động lực mà điều này xuất phát từ hệ thống giáo dục, cơ sở giáo dục. Thầy cô giáo phải là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên./.
Tin nổi bật
Tin Video