Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về bảo đảm cung ứng điện
(VOVTV) - Chiều 28/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính họp về tình hình bảo đảm cung ứng điện những tháng cuối năm và năm 2024.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp, phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), các đơn vị, doanh nghiệp liên quan phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện.
Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm của việc cung ứng điện năm 2023 cho thấy, nguồn không thiếu, nhưng khả năng truyền tải điện chưa đáp ứng; việc xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tháng 5, 6 là do vấn đề điều hành. Chúng ta đã rút kinh nghiệm và chỉ đạo.
Từ việc điều hành vừa qua, thì chúng ta cần rút kinh nghiệm, theo đó, EVN cần hoàn thiện kịch bản vận hành cung ứng điện bám sát nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, điều hành theo kịch bản này. Việc xây dựng kịch bản chính xác, làm rõ nguồn, truyền tải, giá cả…; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải giám sát, kiểm tra, đôn đốc; Bộ Công thương phải làm tốt chức năng quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền trong việc này…
Về các vấn đề cụ thể, trong đó có vấn đề nguồn cung ứng than, Thủ tướng yêu cầu các bên như EVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải ký kết thỏa thuận rõ ràng trên tinh thần khai thác tối đa nguồn than đang có, hạn chế phải nhập khẩu; thỏa thuận rõ giá cả; dự báo sát nhu cầu tiêu thụ cho 5 năm (thậm chí là 10 năm) thì ngành than mới đầu tư, có kế hoạch khai thác được; không được để tiêu cực trong ngành than, khi nào thiếu không thể khai thác được mới phải nhập khẩu; nếu vướng vấn đề giấy phép tăng sản lượng khai thác thì Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cùng với TKV, Tổng công ty Đông Bắc, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp xử lý dứt điểm, nhanh; bảo đảm đầy đủ hồ sơ, đúng quy định pháp luật, trong tháng 11 tới phải hoàn thành, không để kéo dài.
Về nguồn thủy điện, Thủ tướng yêu cầu EVN cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ, báo cáo Chính phủ vấn đề điều tiết, dự trữ nước, phát huy tối đa công suất nguồn thủy điện, nhất là vào mùa khô, đồng thời bảo đảm xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước.
Về nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính hoàn thành các quy định về giá mua điện năng lượng tái tạo với hướng dẫn cụ thể, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; chống mọi biểu hiện tiêu cực. Thủ tướng yêu cầu sớm dứt điểm việc chuyển giao dự án điện ở Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn giữa EVN và PVN; PVN phải khai thác nguồn khí tối đa, thỏa thuận và cam kết rõ với EVN về nguồn cung khí.
Về vấn đề truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu phải tính đầu tư phát triển thêm quy mô lưới truyền tải 500kV nữa nếu lưới truyền tải hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu; các bộ, ngành, địa phương liên quan phải giải quyết dứt điểm, khẩn trương vấn đề mặt bằng cho các dự án lưới điện truyền tải, tất cả vì lợi ích chung; phấn đấu trước ngày 15/11 tới phải hoàn thành việc phê duyệt. Nếu vướng ở đâu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các địa phương để giải quyết với thời hạn cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu EVN khi thực hiện dự án đường dây 500kV này thì phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan cam kết bảo đảm tiến độ như phê duyệt; yêu cầu phải đẩy nhanh việc chuyển giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công thương, giải quyết dứt điểm những vướng mắc về pháp lý liên quan vấn đề này; yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN tích cực tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhất là phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền thường xuyên vấn đề này, đưa tiêu chí này vào việc công tác đánh giá cán bộ.
Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, cùng với EVN cần có kế hoạch cung ứng điện cụ thể, trình Chính phủ xem xét. Về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát Quy hoạch, những vấn đề nào có trong Quy hoạch thì mới triển khai. Về việc liên quan mua điện mặt trời áp mái, mua bán điện trực tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp lại với Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan rà soát lại, nếu vượt thẩm quyền thì phải báo cáo kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện việc này; đồng thời việc này phải được thực hiện trên tinh thần là phải hài hòa lợi ích của cả hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Tin nổi bật
Tin Video