Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn
(VOVTV) - Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ sở đào tạo, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế tại Việt Nam.
Thời gian quan Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn nói riêng cụ thể là: Đột phát về phát triển nguồn nhân lực được Đảng, thể chế hóa từ Nghị quyết Đại hội XI, được kế thừa, phát triển đến Nghị quyết Đại Hội XIII, khẳng định: tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khoá XIII về KTXH năm 2023-2024 đã yêu cầu: "Tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".
Chính phủ đã giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN, TTTT, GDĐT nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; giao Bộ TTTT xây dựng Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.
Về cơ sở hạ tầng Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Khu công nghệ cao TP.HCM, Hòa Lạc và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển ngành bán dẫn và có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.
Hiện nay, nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 -100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng…đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
Về hợp tác quốc tế Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Các tập đoàn hàng đầu như NVIDIA, Samsung… cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Đây là điều kiện tiền đề quan trọng, cơ hội thuận lợi cho Việt Nam nắm bắt, tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn thông qua phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao, để gặt hái những lợi ích từ ngành công nghiệp “tỷ đô” này của thế giới và của thời đại.
Tuy nhiên Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn thách thức như: Nhận thức về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn hạn chế; Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao do tốc độ phát triển nhanh của ngành này; Nhu cầu về vốn đầu tư lớn, thị trường thay đổi nhanh chóng; Thách thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ và bảo đảm an ninh mạng; Hợp tác quốc tế còn gặp nhiều trở ngại do chính sách bảo hộ, tính cạnh tranh và an ninh quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển công nghiệp bán dẫn là lựa chọn chiến lược của nước ta. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, bao gồm các chính sách ưu đãi đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Đòi hỏi sự nỗ lực, với giải pháp đồng bộ, hiệu quả của “4 nhà” - nhà nước, nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn; đầu tư cho hạ tầng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên và giáo trình phù hợp; có phương thức phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn tiệm cận và đột phá cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 5/2024; phối hợp với các địa phương có đầu tư nước ngoài về ngành bán dẫn vận động tài trợ quốc tế xây dựng các phòng Lab tại một số thành phố hoặc trường đại học; xây dựng các mô hình thành phố bán dẫn, khu công nghiệp bán dẫn; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, kết nối hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam với toàn cầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; phối hợp chặt chẽ với Bộ KHĐT triển khai các nội dung thuộc Đề án đảm bảo bám sát mục tiêu của Chiến lược.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo 30.000 sinh viên đại học phục vụ ngành chip bán dẫn trong giai đoạn 05 năm; xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi cho các đối tượng tốt nghiệp các ngành gần, liên quan đến công nghiệp bán dẫn; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu tổ chức đào tạo nâng cao/liên thông cho các kỹ sư hệ cao đẳng trong các ngành liên quan lên kỹ sư hệ đại học thuộc ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp lĩnh vực chip bán dẫn; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn; phê duyệt danh mục và cân đối kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước triển khai Đề án một cách nhanh chóng, thuận lợi; rà soát, đánh giá tổng thể các luật về thuế để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế nhằm khuyến khích, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, nghiên cứu, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành bán dẫn của địa phương để hỗ trợ công tác đào tạo cụ thể; phối hợp xây dựng các mô hình thành phố bán dẫn, khu công nghiệp bán dẫn
Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch theo lộ trình 5 năm, ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp triển khai đào tạo theo mục tiêu đề ra; hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tích cực tham gia xây dựng thị trường nhân lực bán dẫn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở đào tạo về nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.
Thủ tướng tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế và bằng những hành động cụ thể, bài bản, khoa học, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030./.
Tin nổi bật
Tin Video