Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

(VOVTV) - Sáng nay 31/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
31/07/2023 10:36

Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bất cứ thời kỳ nào, chúng ta đều sắp xếp, tổ chức bộ máy phù hợp tình hình, diễn biến thực tiễn. Đây là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, đụng đến nhiều người, ảnh hưởng hoạt động của người dân. Tuy nhiên, không thể không làm vì bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Sự phát triển, tình hình của đất nước thay đổi, cho nên bộ máy hành chính phải thay đổi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030

Thủ tướng cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm địa bàn, kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý, bỏ cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện từ nhiệm kỳ trước.

Nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Như vậy, cơ sở chính trị và pháp lý đều có.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Ảnh 3.

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Từ thực tiễn địa phương phải sắp xếp lại phù hợp, đơn giản, linh hoạt. Thủ tướng chỉ rõ phải nhận thức đây là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải làm thận trọng, chắc chắn, không xáo trộn, bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị vận hành bình thường, cuộc sống của người dân không quá đảo lộn. Việc lãnh đạo, điều hành phải rất quyết liệt.

Kinh nghiệm cho thấy nơi nào, chỗ nào thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng thì công việc suôn sẻ, nếu không thì sẽ gây ách tắc, chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực. Thủ tướng nhấn mạnh, những gì làm được thì phát huy, những gì chưa làm được thì cần khắc phục, với tinh thần là tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân.

Thủ tướng lưu ý, giai đoạn này, trên thực tế chỉ còn hơn 1 năm (nếu chỉ tính giai đoạn 2023-2025), vì vậy, công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao. Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị phải vào cuộc tích cực, hiệu quả.

Quá trình sắp xếp có ảnh hưởng có ảnh hưởng về mặt điều hành, quan hệ hành chính trong cơ quan hành chính các cấp, ảnh hưởng người dân liên quan giấy tờ, thủ tục, các công việc. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm, do đó các địa phương có kinh nghiệm quý, bài học hay trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy thì chia sẻ với hội nghị. Thủ tướng cũng lưu ý, cần trước các khó khăn để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; quá trình thực hiện, cơ sở vật chất, các hoạt động có phát sinh dôi dư cần sắp xếp tiếp theo thì phải có giải pháp phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2019 - 2021, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, UBTV Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong đó đã kịp thời ban hành các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi NSNN khoảng 2.008 tỷ đồng.

Góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính còn góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Không phát sinh khiếu nại, tố cáo từ việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; trật tự xã hội được bảo đảm.

Ý kiến của bạn