Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06

(VOVTV) - Sáng nay 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
10/06/2024 08:40

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương tại các điểm cầu trực tuyến trên cả nước.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06- Ảnh 1.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng cho biết, trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 02 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cám ơn những đóng góp to lớn, vai trò cá nhân quan trọng của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06- Ảnh 2.

Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, song chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, “ngủ quên trong chiến thắng”. Thủ tướng cho biết, cách đây 01 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn lực... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (Văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nên tảng số, kinh doanh xuyên biên giới (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023).

Với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp và thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06- Ảnh 3.

Tại Hội nghị này Thủ tướng yêu cầu, tập trung sơ kết 01 năm triển khai tháo gỡ các “điểm nghẽn” của Đề án 06 và thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 18. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào các vấn đề:

Thứ nhất, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18 với tinh thần là “không tô hồng, không bôi đen”; nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; đặc biệt cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp hữu hiệu để hóa giải, chuyển đổi trạng thái như về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin....

Thứ hai, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18 như phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin, liên thông các hệ thống thông tin hình thành dữ liệu lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử....

Thứ ba, chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn. Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo mới, bài bản và hiệu quả hơn nữa.

Theo báo cáo của Bộ Công an, qua 01 năm triển khai Công văn 452 của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.

Cụ thể là công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, thể hiện bằng 05 Chỉ thị, 02 Công điện về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng và ứng dụng Đề án 06 phòng chống tội phạm tín dụng đen; đưa các nội dung của Đề án 06 vào Nghị quyết thường kỳ Chính phủ hàng tháng; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 04 Hội nghị trực tuyến toàn quốc.

Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ phát huy vai trò thường trực, duy trì giao ban hàng tháng và trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Các bộ, ngành, UBND địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024; 55/63 địa phương đã tham mưu với Tỉnh ủy/Thành ủy ban hành Chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án 06, nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa, Nghệ An…

Đối với 23 nhiệm vụ chỉ đạo tại Công văn 452, các bộ ngành đã hoàn thành 01/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể, nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế; Đã cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư: đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó, có 07/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa. Cùng với đó đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết tháng 4 năm 2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó còn có những tồn tại, hạn chế theo 06 điểm nghẽn nhất là điểm nghẽn về pháp lý. Việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 thủ tục hành chính cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa. Cùng với đó là điểm nghẽn về dịch vụ công trực tuyến, điểm nghẽn thứ ba về hạ tầng công nghệ, điểm nghẽn thứ tư về Dữ liệu, điểm nghẽn thứ năm về An ninh, an toàn bảo mật và điểm nghẽn thứ sáu về Nguồn lực triển khai./.

Ý kiến của bạn