Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần tạo thương hiệu về một Quảng Ninh giàu có và sạch, đẹp
(VOVTV) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, quản lý và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, trong đó không đề cao vấn đề thu tiền mà là nâng cao giá trị văn hóa của di tích.
Sau chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, chiều 12/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giải quyết kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh tại buổi làm việc cho biết, trong điều kiện khó khăn chung, song nhờ bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh; quyết liệt, linh hoạt, đổi mới trong tổ chức thực hiện và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt các mục tiêu ở mức cao.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, với mức tăng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp 2016 – 2022, trong đó trong các năm có dịch COVID-19 vẫn đạt trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc; năng suất lao động tăng trên 13%.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu làm rõ những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua; phân tích bài học kinh nghiệm; chỉ ra các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; đồng thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Các đại biểu đề nghị tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn hơn nữa, áp dụng các cơ chế chính sách, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Các bộ, ngành cũng cơ bản ủng hộ giải quyết các đề xuất của Quảng Ninh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quảng Ninh rất quyết liệt, bài bản, hiệu quả. Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, đạt được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế và phân tích những tiềm năng thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương trong tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh phải quản lý, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; xã hội văn minh, văn hóa phát triển; tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng chất lượng tăng trưởng, theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Quảng Ninh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, trong đó có các tuyến giao thông kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, tuyến đường ven biển, kết nối với khu du lịch Yên Tử; xây dựng cảng biển như cảng Móng Cái; kết nối giao thông lên các cửa khẩu; mở các đường bay từ sân bay Vân Đồn đến các khu vực như Cần Thơ...
Thủ tướng lưu ý, “Quảng Ninh tiếp tục huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển, nhất là phát huy các phương thức hợp tác đầu tư PPP, BOT, đề xuất phương thức BT trong đầu tư phát triển”. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh phải thúc đẩy cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan...; quản lý và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, trong đó không đề cao vấn đề thu tiền mà là nâng cao giá trị văn hóa của di tích.
Quảng Ninh phải chú trọng hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực, với việc mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nhất là các trường Đại học trên địa bàn để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cho khu vực, trong đó lưu ý đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo nghệ thuật, ngoại ngữ, nhất là đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc.
Song song với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ.
“Tỉnh Quảng Ninh phải giữ vững đoàn kết cả lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi; vì đoàn kết thì không được lúc này thì được lúc khác, không được với người này thì được với người khác, không được chỗ này thì được chỗ khác, mất đoàn kết là mất tất cả”, Thủ tướng lưu ý.
Đối với các đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng ý xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc giải quyết các vướng mắc không chỉ đối với từng dự án, vấn đề, vụ việc cụ thể của Quảng Ninh mà phải tạo ra cơ chế chính sách cho các vấn đề tương tự ở các địa phương trong cả nước, nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, tránh cơ chế xin-cho.
Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và thăm, khảo sát một số dự án có mức đầu tư lớn trong khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng thăm, khảo sát Dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia phục vụ Khu công nghiệp Đông Mai do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư.
Tin nổi bật
Tin Video