Thủ tướng: Phải đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế
(VOVTV) - Sáng nay 24/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 để thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm; Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét; kết quả được thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 380 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 Quyết định quy phạm pháp luật.
Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai việc đột phá về thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài việc cần coi trọng về số lượng, kịp tiến độ, chúng ta đặc biệt phải coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu, phải rất coi trọng giảm thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế “xin-cho”, giảm phiền hà cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp, nhất là chi phí tuân thủ khi phải thực hiện các thủ tục hành chính theo tinh thần cải cách hành chính mà Chính phủ thường xuyên tổ chức họp hằng quý.
Thủ tướng chỉ rõ, nguyên tắc xây dựng luật phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo đúng mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.
Thủ tướng lưu ý phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật để thực hiện trên tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Trong quá trình làm phải xác định tinh thần là phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua khen thưởng. Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; từ đó tạo công bằng, công minh, khách quan, bình đẳng trong công tác này.
Đặc biệt, về việc đầu tư cho nguồn lực Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Phải đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế; các yêu cầu về điều kiện bảo đảm như tư liệu, tài liệu, các trang thiết bị cần thiết khác; ưu tiên chế độ chính sách cho những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật; bố trí nguồn lực cho công tác này phải là những người có trách nhiệm cao, có tinh thần trách nhiệm, đam mê, cảm xúc đối công việc được phân công; cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong quá trình xây dựng pháp luật (các Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư của các bộ).
Thủ tướng nêu rõ, đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất; Bộ Nội vụ quan tâm và hướng dẫn công tác này."
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 nội dung quan trọng: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Và xem xét chủ trương quan trọng là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trên tuyến Bắc – Nam. Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc này đã được đặt ra hơn 10 năm, đây cũng là công việc thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị và Chính phủ cụ thể hoá chủ trương này.
Đặc biệt khi bàn về Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, trên cơ sở nghiên cứu các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ thống nhất luật hóa chủ trương, đường lối của Đảng và nâng cấp Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm xử lý hiệu quả các vấn đề khẩn cấp, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó yêu cầu phải xác định rõ khái niệm, mức độ, phạm vi, thời gian tình trạng khẩn cấp; các tiêu chí xác định tình trạng khẩn cấp; phân cấp, linh hoạt, sáng tạo, huy động nguồn lực; biện pháp để xử lý tình trạng khẩn cấp đảm bảo hiệu quả…
Nhất là đối với giai đoạn lập đề nghị xây dựng chính sách, các thành viên Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc trong phạm vi điều chỉnh trong Đề cương chi tiết Luật tiếp tục quy định 04 loại hình tỉnh trạng khẩn cấp, bao gồm: thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, khẩn cấp về quốc phòng, khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên các thành viên Chính phủ cho rằng, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp được ban hành, đã có một số luật có quy định cụ thể về tình trạng khẩn cấp như: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh; Luật Quốc phòng quy định về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Do đó, đề nghị cơ quan lập thuyết minh rõ lý do điều chỉnh tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh và quốc phòng tại Luật này thay vì sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về nguyên tắc áp dụng Luật tình trạng khẩn cấp và các luật có liên quan (Điều 7 Đề cương chi tiết Luật) để bảo đảm tình thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo khi áp dụng vào thực tiễn.
Về chính sách 1 đề xuất tăng thẩm quyền cho một số chủ thể quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp hoặc chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Nội dung chính sách tại Tờ trình và các quy định dự kiến tại Đề cương chi tiết luật về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa rõ ràng (Điều 47, Điều 48). Do đó, đề nghị nghiên cứu, làm rõ một số nội dung: quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phù áp dụng các biện pháp đã được Luật quy định để ứng phó với tình trạng khẩn cấp; rà soát, phân biệt rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tình trạng khẩn cấp và tình trạng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; nghiên cứu, bổ sung quy định xác định rõ đối tượng, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các thẩm quyền này./.
Tin nổi bật
Tin Video