Thủ tướng: Kon Tum phải phát triển nhanh và bền vững hơn nữa
(VOVTV) - Trong chương trình công tác tại tỉnh Kon Tum, sáng nay 20/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị, đề xuất để Kon Tum phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho biết, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nơi “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”. Diện tích trên 9,6 nghìn km2 (lớn thứ 8 cả nước); địa hình đa dạng tạo ra những cảnh quan thiên nhiên phong phú, ấn tượng, hấp dẫn, còn giữ vẻ hoang sơ. Diện tích rừng lớn.
Trong năm 2022, tỉnh đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu. GRDP tăng khá đạt 9,47% trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 6,2%; công nghiệp, xây dựng tăng gần 14,9%; dịch vụ tăng 8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực .
Trong 7 tháng năm 2023, KTXH có nhiều điểm sáng, GRDP 6 tháng tăng khá, đạt 6,8%, đứng thứ 22/63 và cao nhất khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 17% so với cùng kỳ.
Nông nghiệp tiếp tục đà tăng tốt; chương trình OCOP được triển khai tích cực ; hiện có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 xã đạt chuẩn nâng cao.
Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tăng 16%; đón trên 1 triệu khách du lịch, tăng 20,4% so cùng kỳ. Công nghiệp phát triển tích cực; chỉ số IIP tăng 9,22%.
Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động hợp tác, giao lưu với các nước láng giềng được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: sớm phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum; chấp thuận chủ trương bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030; đề nghị xem xét điều chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp và giảm chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp đã giao…
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã cho góp ý nhiều vấn đề, và giải đáp các kiến ghị của tỉnh. Đặc biệt về vấn đề tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc quy hoạch phát triển tỉnh phải giữ được 63% diện tích đất rừng và bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, đặc biệt là trong quy hoạch phát triển khu du lịch Măng Đen phải quản lý chặt chẽ đất đai, không được hợp thức hóa đất nông nghiệp và đất rừng để phát triển các dự án nhỏ lẻ, phá vỡ không gian quy hoạch chung.
Đối với vấn đề phát triển hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 là cần thiết, tạo điều kiện cho mạng lưới giao thông liên thông với các tỉnh trong vùng, mở rộng không gian phát triển mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh và cho cả vùng.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng đã chỉ rõ những thành tựu đạt được của tỉnh và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong thời gian tới Thủ tướng đề nghị Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn nữa, phải giữ vững quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới và dứt khoát không để bị động bất ngờ về an ninh trật tự ổn định chính trị. Xây dựng khu vực về phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế, bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả và phải bảo tồn phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.
Về mục tiêu ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần tập trung ưu tiên phải rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Đại hội Đảng các cấp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung lãnh đạo chỉ đạo, nguồn lực thực hiện đạt hiệu quả, năm sau phải cao hơn năm trước và phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải tháo gỡ về mặt pháp lý liên quan đến đất đai, rừng, góp vốn của nhân dân, trên cơ sở đó để giải phóng nguồn lực tập trung cho phát triển nhanh, bền vững. Huy động các nguồn lực, nhất là cho hạ tầng giao thông, du lịch, văn hóa và hạ tầng năng lượng. Phải thúc đẩy việc liên kết của nhân dân, thành lập các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, kết hợp hài hòa với sự phát triển của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng để cho họ phát huy hết năng lực sáng tạo, sống và phát triển được, thoát nghèo, làm giàu từ mảnh đất rừng.
Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu, đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh; không trông chờ, ỷ lại, không ngừng đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Là địa phương có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa các dân tộc, tỉnh phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng yêu cầu, tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng KHCN tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến...
Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế (nhất là Sâm Ngọc Linh).
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung phát triển du lịch theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của Kon Tum nói riêng (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...). Phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, NSNN. Bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá địa phương.
Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phát triển, thu hút các DN, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng KHCN.
Cùng với đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các CTMTQG, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tiềm năng; đẩy mạnh thực chất, hiệu quả cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong SXKD của người dân, DN.
Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại.
Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Về các kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ ngành, Thủ tướng cơ bản đồng ý giải quyết các kiến nghị trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện cho tỉnh phát triển./.