Thủ tướng kiểm tra tình hình triển khai cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
(VOVTV) - Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại ĐBSCL.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với 1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km).
Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 311 km, đến năm 2027 có khoảng 526 km, đến năm 2030 có khoảng 740 km.
Dự án dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022; dài 188,2 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe , sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù gồm: cơ chế chỉ định thầu; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 về triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Trên tuyến bố trí 18 nút giao trung bình 10km/ 1 nút, trong đó: An Giang 5 nút; Cần Thơ 4 nút; Hậu Giang 3 nút; Sóc Trăng 6 nút. Trong tổng số 18 nút giao, đến nay đã GPMB và đang thi công 15 nút giao, 3 nút giao còn lại đang chờ dự án đường kết nối nên chưa xác định được ranh giới GPMB.
Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nên cần nâng công suất. Vì vậy, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, đề nghị Hậu Giang và Cần Thơ chủ động phối hợp với An Giang, Bến Tre, Tiền Giang để xem xét nâng công suất khai thác, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục khai thác như Tiền Giang rút ngắn còn 6 thủ tục và thời gian hoàn thành thủ tục để khai thác là 2 tháng; đồng thời, cân nhắc thêm phương án sử dụng cát biển để đáp ứng tiến độ và bù phần công suất thiếu hụt, đặc biệt là tại khu vực giáp ranh với biển.
Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành Dự án năm 2026 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương điều chỉnh tiến độ thực hiện của từng dự án, từng gói thầu nhằm bù đắp phần chậm; trong đó lưu ý xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 4/2026. Đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư rà soát kỹ nguồn vốn còn lại của Dự án và triển khai đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ITS, trạm dừng nghỉ để đáp ứng khai thác đồng bộ, hiệu quả và an toàn đường cao tốc.
Kiểm tra tình hình triển khai Dự án Thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tại Nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ và Kiểm tra tình hình triển khai Dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tại Nút giao QL61C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà động viên các đơn vị thi công, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc, cùng nhau làm tạo nên phong trào thi đua trên công trường. Các đơn vị phải làm việc với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ để lấy lại thời gia đã chậm tiến độ từ trước.
Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm các tuyến cao tốc tại địa phương phải vừa làm vừa hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, để doanh nghiệp địa phương lớn mạnh dần, chủ động xây dựng được các công trình lớn tại địa phương theo tinh thần 4 tại chỗ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống tưới tiêu, chống sạt lở, hệ thống đường giao thông, xây dựng phố trong làng.
Thủ tướng cũng hoan nghênh tỉnh An Giang, Sóc Trăng đã hỗ trợ cho Cần Thơ trong việc làm cao tốc.
Trước đó, sáng cùng ngày, hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn công tác kính cẩn dâng hương, dâng hoa, nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng và các đại biểu nguyện phát huy truyền thống Anh hùng, đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tin nổi bật
Tin Video