Thủ tướng khảo sát tình hình sạt lở tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu
(VOVTV) - Chiều ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trong chương trình công tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long, chiều nay (11/8), ngay sau khi đáp máy bay xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã di chuyển bằng máy bay trực thăng khảo sát từ trên cao và hạ cánh khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển Khu vực thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; khảo sát sạt lở tại khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào, ven biển tỉnh Bạc Liêu; khảo sát tại các khu vực Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), khu vực Hổ Mồi (huyện Đầm Dơi) và khu vực Đất Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển bền vững. Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740 km bờ biển, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển KTXH, nhất là kinh tế biển, thủy sản, giao thông thủy. ĐBSCL là vựa lúa, trái cây và thủy sản lớn nhất cả nước. Từ đầu tháng 7 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân và nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong Nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác… ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo một số nghiên cứu, nước biển dâng 0,35 cm/năm và ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng bị tác động mạnh nhất.
Tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn Mekong (đập thủy điện, dự án chuyển nước) dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ tại một số thời điểm, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về ĐBSCL.
Tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất ở ĐBSCL. Theo số liệu đo đạc của Bộ TNMT trong 10 năm (2012-2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở ĐBSCL khoảng 0,96 cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35 cm/năm), đặc biệt tại một khu vực ven biển nguyên nhân do khai thác nước ngầm quá mức, chất tải xây dựng,….
Như vậy, tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, cho thấy ĐBSCL có nguy cơ chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng; vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị.
Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng. Theo Báo cáo năm 2022 của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NNPTNT), trong tổng số chiều dài bờ biển khoảng 744 km thì có tới 286 km bị sạt lở nghiêm trọng.
Thống kê 50 năm qua diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011-2016 giảm trên 15.300 ha (do sạt lở và hoạt động phát triển KTXH, nhất là nuôi trồng thủy sản). Mỗi năm mất 300-500 ha rừng ngập mặn, hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông, kênh rạch bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề đáng báo động. Trong đó, Cà Mau là tỉnh có đường bờ biển dài nhất và cũng bị sạt lở, xâm thực của biển mạnh nhất (cả phía Biển Đông và phía Biển Tây) với trên 90 km bị sạt lở.
Trong thời gian qua Chính phủ luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, trong đó có phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Thủ tướng Chính phủ có nhiều Công điện chỉ đạo việc phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, trong đó xác định những giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng; Trung ương và địa phương đã quan tâm đầu tư khắc phục hậu quả do sạt lở (xây kè, khôi phục rừng, di dời dân cư).
Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương ĐBSCL 11.453 tỷ đồng khắc phục 190 vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân; tập trung khôi phục rừng ngập mặn, tổ chức di dời hàng chục nghìn hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở.
Tối cùng ngày, sau khi khảo sát thực địa, tại thành phố Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh về tình hình và công tác khắc phục sạt lở tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Tại buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã báo cáo về tình hình sạt lở tại tỉnh mình, những tồn tại hạn chế và những phương án khắc phục sạt lở tại địa phương, đồng thời kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề bất cập trong công tác khắc phục sạt lở, triều cường gây ngập úng. Trong đó nêu rõ hiện nay một số công trình phòng, chống đầu tư chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm bền vững; tập quán sinh sống ven sông, rạch, ven biển, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào sông nước, hầu hết nhà cửa, các tuyến đường giao thông đều bám sát ven sông, rạch. Do vậy, khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, giao thông; sạt lở diễn biến mạnh, phức tạp; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa, nhiều địa phương đã xác định khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng không có kinh phí để đầu tư, khi xảy ra sạt lở rồi mới di dời dân cư, đầu tư công trình khắc phục sự cố sạt lở rất tốn kém.
Đến nay còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng đến người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng cần xử lý với tổng chiều dài 204 km, nhu cầu đầu tư gần 14.000 tỷ đồng nhưng chưa có nguồn để xử lý (39 vị trí/118 km bờ sông, 24 vị trí/86 km bờ biển).
Sau khi nắm bắt tình hình tại 3 tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, trước mắt các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở, chỗ ở tạm, tái định cư.
Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở.
Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực bao gồm cả nguồn dự phòng ngân sách Trung ương) trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương xử lý sớm.
Về lâu dài Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá nguyên nhân sạt lở, xác định nguyên nhân là gì để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, bền vững, tránh tốn kém. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN, Bộ TNMT tổ chức nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn nghiêm trọng hiện nay, cần xác định rõ nguyên nhân đối với từng vấn đề, từng khu vực, nguyên nhân nào là chủ yếu để có giải pháp phù hợp đối với từng khu vực.
Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn.
Cần rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở, hạn chế để sạt lở xảy ra rồi thì vừa ảnh hưởng đến dân cư, cơ sở hạ tầng, vừa phải đầu tư tốn kém.
Chủ động xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở, chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, chủ động di dời dân cư đến nơi an toàn.
Tiếp tục huy động các nguồn lực của nhà nước (cả ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, cả đầu tư trong kế hoạch đầu tư trung hạn, cả dự phòng ngân sách để đầu tư). Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tin nổi bật
Tin Video