Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh
(VOVTV) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tháng 3 và thời gian tới và khẳng định nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Tại phiên họp phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra sáng nay 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tháng 3 và thời gian tới và khẳng định nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thống nhất đánh giá, trong tháng 2, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và phương châm điều hành năm 2023 được Chính phủ xác định là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Kinh tế xã hội trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định, nhiều mặt phát triển với các điểm sáng, Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm thu NSNN 02 tháng đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Lạm phát có dấu hiệu giảm; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điểu chỉnh giảm; Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 01 lên 51,2 điểm trong tháng 02 thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và áp lực điều hành kinh tế vĩ mô rất lớn. Cùng với việc phân tích kết quả đạt được người đứng đầu Chính phủ cũng phân tích những tồn tại hạn chế.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép về lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn ở bên ngoài tiếp tục tác động ảnh hưởng lớn đến nước ta, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp thì rút khỏi thị trường cao; lĩnh vực du lịch bước đầu sôi động trở lại nhưng so với trước thời kỳ còn có khoảng cách, cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn; thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn tiếp tục phải tháo gỡ nhanh và nhất là việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để."
Theo đó Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm như phải đẩy mạnh nắm hình hình, nghiên cứu chiến lược, các Bộ trưởng trao đổi thẳng thắn, kịp thời phối hợp, phản ứng hiệu quả với các vấn đề nảy sinh; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giữ đúng nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả làm thước đo; phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ, đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các bộ ngành, địa phương cần chủ động bám sát, nắm chắc, phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp phù hợp để điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 và Chỉ thị 03.
Thủ tướng đã nêu rõ 10 nhiệm vụ nhiệm vụ trọng tâm, mà trước hết là tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách năm 2023, cùng với đó tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không được ách tắc.
Người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước Thủ tướng yêu cầu: "Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn chủ động linh hoạt hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý có trọng tâm trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cái thứ hai là nghiên cứu và tổ chức thực hiện chỉ đạo làm sao để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn và tăng trưởng tín dụng, dòng vốn là phải đi vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta đã xác định; khơi thông lệ thị trường liên ngân hàng để nghiên cứu về cái lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát của ta; tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém và hạn chế nợ xấu, phát sinh mới có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các nhiệm vụ của Ngân hàng rất nặng nề trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vừa phải theo dõi lãi suất của Fed, các đồng tiền mặt mà chúng ta phải sử dụng thanh toán trên thế giới vừa không mất giá đồng tiền đây là bài toán rất khó."
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Thủ tướng lưu ý các địa phương tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng./.
Tin nổi bật
Tin Video