Tin tức

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5

(VOVTV) - Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những mặt đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn thách thức, qua đó bàn giải pháp khắc phục.

Tác giả Vũ Khuyên / VOV
03/06/2023 13:35

Sáng 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; kết quả làm việc của các Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội. Dự họp tại các điểm cầu các địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

z4400140615746_2cb27152e932f3d53220cf18d7b0b811.jpg

Toàn cảnh phiên họp

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp này được tổ chức sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, vừa dành thời gian thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã cử 25 đoàn công tác, làm việc tại các địa phương để đôn đốc sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu…

Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những mặt đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn thách thức, nhất là trong sản xuất, kinh doanh để qua đó bàn giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả cao các nhiệm vụ trong quý II và các tháng cuối năm.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp ổn định; Tính chung 5 tháng, tình hình KTXH có nhiều điểm sáng, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

1_03-06-2023-08-58-45.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Thu đủ chi, thu NSNN ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị . An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất được điều chỉnh giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng: phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời. Bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Thị trường trái phiếu có tín hiệu tích cực, tính đến ngày 19/5/2023, sau 2,5 tháng từ khi ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 25,5 nghìn tỷ đồng chiếm 96,7% khối lượng phát hành 5 tháng đầu năm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch năm.

Có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (88.000 doanh nghiệp). Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%).

DSC_0477.jfif

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tăng cường; chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian.

Công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy, nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được trình và ban hành, tạo ra cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới và giá trị mới.

An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác khám chữa bệnh được tích cực triển khai; tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Giáo dục, đào tạo được quan tâm chỉ đạo, học sinh Việt Nam tiếp tiếp tục đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế uy tín. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc sôi nổi chào mừng những sự kiện quan trọng như Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5)… và các hoạt động văn hóa để kích cầu mùa du lịch 2023. Thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển; đặc biệt, đoàn Việt Nam đạt kết quả nhất toàn đoàn tại SEA Games 32.

Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt  nhiều kết quả, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là ngoại giao kinh tế.

Thông tin truyền thông được tăng cường; tích cực đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, tương đối đầy đủ về tình hình KTXH của đất nước và ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi. Trong khuôn khổ Phiên họp của Hội đồng KTXH Liên Hợp Quốc (ECOSOC), Việt Nam được đánh giá cao về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, là một bài học thành công trong việc phối hợp hiệu quả giữa quốc gia và Liên Hợp Quốc.

Nhìn chung trong 5 tháng đầu năm 2023, chúng ta tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, DN, thu hút FDI, thị trường bất động sản chuyển biến bước đầu. Các lĩnh vực, văn hóa, xã hội, thể thao tiếp tục phát triển. Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị chu đáo, chất lượng, bảo đảm an toàn, phục vụ tốt Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Ý kiến của bạn